Chúng tôi về thôn Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Trong buổi hoàng hôn, Khách Nhi hiện ra trước chúng tôi là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh nằm ven sông Hồng với những rặng tre um tùm, hỏi thăm đến nhà của nhà thơ Cầm Giang thì ai cũng lắc đầu quầy quậy: “Ở đây làm gì có nhà thơ nào, cả làng này chỉ có một ông giáo Giang – bác sĩ thì ai cũng biết, nhưng ông đã mất được gần hai mươi năm rồi”.

Bà Đỗ Thị Chắt, 73 tuổi – vợ nhà thơ Cầm Giang, cười tủm tỉm: “Muốn biết về ông thì phải hỏi… các con ông ấy” 

Mối tình từ ánh mắt

 

 
Bà Đỗ Thị Chắt – vợ nhà thơ Cầm Giang trong ngôi nhà được làm từ nhuận bút thơ văn

Cô gái quê Đỗ Thị Chắt xinh đẹp nhất của làng An Thượng, đã dở dang một mối tình. Hai mươi chín tuổi, cô là đội trưởng đội cày bừa của hợp tác xã. Một buổi sáng, cô đang mải mê sửa cày ở dưới ruộng cho một đội viên và bỗng thấy gò má mình… nong nóng, ngẩng lên cô thấy trên đường có một người đàn ông đứng cạnh chiếc xe đạp ngó mình đăm đắm. Cô cúi xuống và nói nhỏ với một đội viên: “Sao cái thằng kia nó nhìn tao lâu thế nhỉ?” “Thằng nào, đấy là thầy giáo Giang mới về dạy học ở xã bên…”

“Ngay trưa hôm ấy, thầy giáo Giang đến nhà tôi và… đặt vấn đề. Tôi ngỡ ngàng và cảm động. Anh Giang khi ấy có vợ mất được gần ba năm. Anh có ba người con, trong đó có đứa con gái lẫm chẫm biết đi. Tôi thì đã dở dang qua một lần đò, vì vợ chồng tôi lấy nhau chín năm không có con, người đàn ông ấy đã rẽ dây cương sang lối khác. Tôi đã nhận lời anh và đám cưới nhanh chóng được tiến hành”, bà Chắt hồi tưởng.

Bà Chắt bảo, ngôi nhà hiện nay được xây dựng từ năm 1969 hoàn toàn bằng tiền nhuận bút in sách, viết báo và công sức của bà con dân làng đến làm giúp ông ấy. “Tôi mới về làm dâu được vài ngày thì công an đến hỏi anh Giang tiền đâu để xây nhà, cưới vợ. Anh Giang mở tủ lấy một xấp biên lai nhuận bút ra để giải trình. Các anh ấy bảo thế hoá ra làm thơ, viết văn mà cũng có tiền à, rồi ra về vui vẻ”, bà Chắt tâm sự. Về ở với ông Giang, bà Chắt sinh hạ được ba người con, hai trai, một gái. “Không khí trong gia đình lúc nào cũng vui vẻ, do vợ chồng tôi đều khoẻ mạnh, vợ chồng với sáu người con trong thời buổi bao cấp tuy khó khăn nhưng trong nhà lúc nào cũng ung dung vì ông Giang tuy lãng tử nhưng rất căn cơ, chịu khó”. Ông Giang có lần nói vui với bà, ông rất rạch ròi trong công việc, đó là: “kiếm cơm: nghề giáo, kiếm áo: nghề văn, chè thang: y tế, nuôi con: nghề bố trăm nghìn khó khăn!”

 Bác sĩ của làng

 

Em tắm

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm?
Da của em ngần trắng
Da của ái của êm (1)
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương.
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả,
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem!
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường

Bạc Văn Ùi

(1) Ái là cha, êm là mẹ (tiếng Thái)

“Bố tôi tên thật là Lê Gia Hợp, quê gốc ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá, phiêu bạt bỏ nhà đi từ năm 14 tuổi. Trước đó, ông được gia đình cưới vợ cho từ năm 12 tuổi. Ông lên Hà Nội và gặp ông Lương Hữu Ca, quê ở Khách Nhi và nhận là cha nuôi và đổi họ Lê ra họ Lương. Năm 1954, gặp bà Nguyễn Thị Kiên cũng ở thôn này làm dân công hoả tuyến ở Tây Bắc, sau đó kết hôn và đưa nhau về đây định cư. Cha tôi cũng đã về Thanh Hoá làm thủ tục ly dị với bà Vịnh, người vợ mà ông bà nội đã lấy cho ông rồi mới lấy mẹ tôi và sinh ra ba anh em chúng tôi. Năm 1989, cha tôi mất”, anh Lương Cầm Hoá, con trai áp út của nhà thơ Cầm Giang kể về cha mình ngắn gọn như vậy.

Toàn bộ di cảo thơ văn của ông Giang được giao lại cho Lương Nguyên, con gái của ông với bà Kiên, chị Nguyên hiện là hiệu phó của một trường tiểu học huyện Vĩnh Tường. Về bài thơ Nhớ vợ và Em tắm nổi tiếng một thời, bản thảo gốc do chị Lương Nguyên còn giữ có ghi tên tác giả là Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi là chữ của ông Giang, khi in thành sách, ông Giang “khiêm tốn” ghi mình là “dịch giả”.

Anh Lương Cầm Vĩnh cho hay, bố anh thông thạo ngôn ngữ Thái và phong tục Thái, không những thế, những thứ tiếng khác như Mường, Puộc, Lự… ông đều thạo. Một chi tiết thú vị là bài thơ Nhớ vợ ông Giang ghi là dịch từ… tiếng Lào trên bẹ nứa. Những năm kháng chiến Tây Bắc, ông Giang đã có khá nhiều tập thơ đều mang âm điệu của các đồng bào dân tộc như: Gió núi biên phòng; Thành rồng – thành hổ; Rừng trắng hoa ban; Núi Mường Hung, dòng sông Mã; Quê tôi Điện Biên; Du kích bản Mo… trong đó có những bài thơ nổi tiếng: Nhớ vợ; Em tắm; Em là con gái Châu Yên; Nhớ anh Tây Tiến…

Sau kháng chiến chín năm, Cầm Giang xin về phục viên và định cư ở Khách Nhi chứ không về Thanh Hoá. Sau đó ông xin lên Mỏ Làng Cẩm (Thái Nguyên) làm đủ nghề ở công trường này như dạy bổ túc, làm y tá và cả công nhân mỏ. Khi người vợ thứ hai là bà Kiên mất, ông xin về Vĩnh Phúc dạy học.

Nhà giáo Phan Hữu Hưởng, nguyên trưởng phòng giáo dục huyện Vĩnh Tường cho hay, ông Giang khi về làm giáo viên dạy học ở Vĩnh Tường nổi tiếng là người tài hoa. Còn tại Khách Nhi nơi ông ở, người dân gọi ông là “bác sĩ Giang” vì bởi dọc các làng ven sông Hồng thời ấy thường xuyên lụt lội, mạng lưới y tế cộng đồng chưa vươn tới. Ông Giang là người có trình độ y tế từ trong quân đội, nên hễ người dân nào có bệnh là lại tìm đến ông Giang.

“Lúc sống, ông nhà tôi rất đam mê viết văn, làm thơ nhưng ông chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ là hội viên hội Nhà văn”, bà Chắt vui vẻ cho hay nghe tin có hội gì to lắm ở tận Trung ương về trao quyết định công nhận ông Giang là hội viên hội Nhà văn, bà con hàng xóm cũng ngỡ ngàng khi biết ông Giang là nhà thơ.

Bà Chắt tự hào cho biết, “tôi không biết làm thơ, nhưng tôi nhớ mãi câu nói của chồng tôi trước khi mất, đó là câu: “Cuộc đời là thơ hay”. 

Theo Đỗ Hữu Lực – SGTT

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *