Biến chứng nguy hiểm và cách phòng bệnh viêm đường hô hấp trên thời điểm giao mùa
01/11/2024Gia tăng người bệnh viêm đường hô hấp trên thời điểm giao mùa, nhiều trường hợp biến chứng viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản…
Bác sĩ Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 lý giải nguyên nhân và hướng dẫn cách phòng bệnh viêm đường hô hấp trên thời điểm giao mùa cho cả trẻ em và người lớn.
Chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp khi giao mùa” diễn ra tối ngày 30.10.
20h ngày 30.10, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phối hợp Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp khi giao mùa” với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm:
- TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7.
- CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng Đơn vị Nhi, Trung tâm khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7.
- BS.CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Chương trình diễn ra trong 2 giờ, hàng ngàn khán giả đón xem và gửi câu hỏi về chương trình với các chủ đề: bệnh viêm đường hô hấp trên là gì, tại sao viêm đường hô hấp trên gia tăng lúc giao mùa, biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm đường hô hấp trên, những sai lầm khi điều trị, cách phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên.
Gia tăng bệnh viêm đường hô hấp trên
Đường hô hấp trên là từ thanh quản trở lên đến hạ họng, họng, mũi xoang, tai, được lót bởi toàn bộ niêm mạc đường hô hấp với tế bào trụ có lông chuyển và có tiết nhầy. Đường hô hấp dưới là kể từ thanh quản trở xuống. Vì vậy, tất cả những bệnh liên quan đến thanh quản, họng, hạ họng, amidan, mũi xoang, tai… đều được gọi là bệnh viêm đường hô hấp trên.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến “Bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp khi giao mùa”.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy cho biết, một tuần qua, số người bệnh viêm đường hô hấp trên đến khám tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tăng 20% so với tuần trước. Người bệnh đến khám với các triệu chứng phổ biến như: ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, viêm tai…; nặng hơn là đã biến chứng viêm đường hô hấp dưới.
Đồng quan điểm, BS CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê cho biết, thời điểm chuyển mùa, trẻ em dễ bệnh hơn, ghi nhận tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, số bệnh nhi viêm đường hô hấp trên cũng gia tăng so với tuần trước. 10 bệnh nhi đến khám thì đến 7-8 bệnh nhi viêm đường hô hấp trên với các triệu chứng như cảm lạnh, nhiễm siêu vi, sốt, sổ mũi… “Có trường hợp trẻ từ viêm đường hô hấp trên biến chứng viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản”, bác sĩ Hạnh Lê nói.
Hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM ghi nhận trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 17.000 ca viêm hô hấp cấp tính. Diễn tiến bệnh dao động theo mùa, số ca thường thấp vào tháng 2-3 và cao nhất trong khoảng tháng 10 đến tháng 12 với hơn 20.000 ca mỗi tuần, trong đó 60% là trẻ em.
Thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng cho biết, có nhiều nguyên nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên, trong đó phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn gồm virus và vi trùng. Ngoài ra, khói bụi, chất kích thích, thời tiết thay đổi, các loại thuốc, thức ăn nóng, cay cũng có thể gây nên tình trạng viêm đường hô hấp trên.
Bệnh viêm đường hô hấp trên diễn ra quanh năm, đặc biệt là vào mùa mưa. Người trưởng thành khỏe mạnh, một năm có thể mắc bệnh hô hấp khoảng 1 – 4 lần, trẻ em có thể mắc nhiều hơn 8 lần/năm, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Người trên 65 tuổi, hoặc người có các bệnh nội khoa như tiểu đường, suy gan, thận và phụ nữ đang mang thai, nhân viên y tế, người phải thường xuyên tiếp xúc với tác nhân lây bệnh… là những đối tượng nguy cơ cao viêm đường hô hấp thời điểm giao mùa.
Triệu chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ em và người lớn tuổi khác nhau. Cơ thể trẻ rất “nhạy bén”, phản ứng nhanh khi vừa nhiễm virus, vi khuẩn. Triệu chứng đầu tiên là sốt, sau đó chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, mệt mỏi. Ở người trên 65 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch thì triệu chứng đầu tiên khi viêm đường hô hấp trên là đau họng, chảy mũi nghẹt, nhức đầu và sau đó mới sốt.
“Khi trẻ bỏ ăn, đau họng, ho, mệt mỏi, sốt; khi người lớn đau họng, ăn uống không được, nuốt vướng, chảy mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, sốt… là những triệu chứng biểu hiện nặng, cần khám với bác sĩ và điều trị kịp thời”, Phó giáo sư Chung Thủy nói.
Biến chứng nguy hiểm
Thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Thái Duy cho biết, với người trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền như hen suyễn, đái tháo đường, tim mạch, suy gan, thận… có nguy cơ cao xảy ra biến chứng khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm đường hô hấp dưới hoặc kích hoạt một đợt hen kịch phát hoặc nhiễm trùng nặng, sốc nhiễm trùng… Các triệu chứng bao gồm thời gian nhiễm trùng kéo dài, triệu chứng nặng, sốt cao, đau đầu dữ dội, khó thở, khó nuốt…
Thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Thái Duy chia sẻ về những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên ở trẻ em và người lớn.
Trẻ có cấu trúc vòi nhĩ ngắn, rộng và nằm ngang hơn so với người trưởng thành nên viêm mũi họng hay đi kèm viêm tai giữa. Viêm tai giữa đôi khi không gây nên tình trạng đau nhức tai ở trẻ, còn gọi là viêm tai giữa thể yên lặng. Tình trạng viêm tai yên lặng vẫn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm xương chũm hoặc giảm thính lực… nếu không được điều trị kịp thời. Điều trị viêm tai giữa trong hầu hết các trường hợp là nội khoa, uống thuốc hoặc phẫu thuật là khi điều trị không đáp ứng với thuốc hoặc có biến chứng như viêm tai xương chũm. Vì vậy, khi trẻ có triệu chứng viêm mũi họng không giảm sau 3-5 ngày nên đưa trẻ đi khám sớm.
Theo bác sĩ Hạnh Lê, khi trẻ vừa sốt nhẹ, ho, sổ mũi thì ba mẹ có thể cho trẻ uống những loại thuốc thảo dược trị ho. Nhưng nếu triệu chứng không giảm mà ngày càng nặng hơn thì bắt buộc phải đứa trẻ đến bác sĩ kiểm tra, không chủ quan, tự điều trị. Nếu bệnh kéo dài, không được chăm sóc tốt, trẻ từ nhiễm siêu vi sang bội nhiễm, vi trùng xâm nhập vào cơ thể và diễn tiến ngày càng nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp.
BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê chia sẻ về những biến chứng viêm đường hô hấp trên ở trẻ trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến.
Thời điểm giao mùa, để phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ, nên cách ly trẻ với nguồn bệnh, đeo khẩu trang cho trẻ, giáo dục trẻ vệ sinh tay. Dinh dưỡng đủ 4 nhóm cho trẻ (protein, lipid, glucid, vitamin và khoáng chất), tiêm các loại vacxin phòng bệnh. Trẻ từ 2 tuổi trở lên khuyến khích tham gia hoạt động thể dục thể thao.
PGS.TS.BS Chung Thủy lưu ý, đối với mẹ bầu nếu viêm đường hô hấp trên do virus thì áp dụng những biện pháp chữa triệu chứng, nâng cao thể trạng và theo dõi, không sử dụng kháng sinh. Vì vậy, mẹ bầu nếu có biểu hiện viêm đường hô hấp trên nên đi khám để bác sĩ đánh giá chính xác và điều trị phù hợp ngay từ đầu, hạn chế tiến triển nặng. Nếu có tiền sử viêm mũi xoang thì nên điều trị tốt trước khi có thai, tránh để bệnh nặng lên và điều trị khó khi mang bầu.
Để phòng ngừa viêm đường hô hấp trên, mọi người nên rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hàng ngày; rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc đông người; nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục…
Suốt chương trình các bác sĩ đã mang đến nhiều thông tin về triệu chứng, cách điều trị, phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên thời điểm giao mùa cho cả trẻ em và người lớn, ngừa biến chứng nguy hiểm.
Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY hoặc liên hệ đến Hotline của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia.