Không chỉ vậy, rung nhĩ còn là tác nhân tiềm ẩn gây ra một loạt biến chứng liên quan đến tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành…
Thông tin trên được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến “Rung nhĩ và các biến chứng nguy hiểm” phát sóng vào ngày 15/11 vừa qua.
Từ trái sang: ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh và MC Kim Ánh tại buổi tư vấn trực tuyến
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM lý giải, ở những bệnh nhân rung nhĩ, hai ngăn trên của tim (tâm nhĩ) co bóp rất nhanh và hỗn loạn. Điều này khiến máu bị ứ đọng trong tâm nhĩ, tạo điều kiện hình thành những cục máu đông trong tim. Cục máu đông có nguy cơ được tim bơm ra, di chuyển theo mạch máu đến não gây đột quỵ, đến mạch vành gây nhồi máu cơ tim hoặc đến các cơ quan khác gây tắc mạch máu ngoại biên.
Ngoài ra khi bị rung nhĩ, nhịp tim đập không đều, thường đập nhanh liên tục, lâu ngày làm tim co bóp kém, yếu đi và giảm hiệu quả bơm máu đi nuôi cơ thể. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ suy tim cũng như nặng thêm các bệnh lý tim mạch khác, thậm chí gây tử vong.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cảnh báo rung nhĩ đang ngày càng trẻ hóa
Y khoa chia rung nhĩ – bệnh lý loạn nhịp tim thường gặp nhất – thành 4 loại: rung nhĩ kịch phát (khởi đầu và kết thúc một cách đột ngột, có thể trong thời gian ngắn như vài phút hoặc kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, thường tự kết thúc mà không cần điều trị), rung nhĩ dai dẳng (kéo dài hơn một tuần, cần can thiệp điều trị để nhịp tim trở lại bình thường), rung nhĩ kéo dài (kéo dài hơn 12 tháng), rung nhĩ vĩnh viễn (tình trạng tim không thể trở lại nhịp đập bình thường, bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc để kiểm soát triệu chứng bệnh).
“Điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, chỉ biết mình mắc bệnh sau khi nhập viện vì đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim…”, ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM lo ngại, dẫn chứng về trường hợp ông Đ.B.T, 62 tuổi, nhập viện khi chức năng tim chỉ còn 32% (ở người bình thường > 50%). Trước đó hai năm, ông T. bị nhồi máu cơ tim do tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Ông được can thiệp đặt stent tại bệnh viện tỉnh nhưng bác sĩ không xác định nguyên nhân gây bệnh. Nay ông mệt nhiều, suy tim nặng, được tiến hành đo điện tâm đồ, siêu âm tim mới phát hiện rung nhĩ mạn tính. Đây chính là tác nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim cùng một loạt biến chứng tim mạch nguy hiểm cho bệnh nhân.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều từng điều trị cho nhiều trường hợp suy tim do biến chứng rung nhĩ
Theo TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, rung nhĩ là căn nguyên của khoảng 5% các trường hợp đột quỵ xảy ra mỗi năm. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận và điều trị không ít ca bệnh đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua không xác định nguyên nhân, đến khi làm các cận lâm sàng tổng quát mới phát hiện do rung nhĩ.
Đơn cử là trường hợp bà N.H, 61 tuổi, đột quỵ nhồi máu não đến viện giờ thứ hai, kết quả chụp CT ghi nhận cục máu đông bít kín mạch máu não, chặn dòng máu đến nuôi não. Khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện bà H. bị suy tim, rung nhĩ hơn 5 năm nay nhưng không tái khám hay uống thuốc kháng đông đầy đủ. “Sau một thời gian điều trị, tôi thấy mình khỏe mạnh như người bình thường nên nghĩ bệnh đã khỏi, tự ý ngưng thuốc và bỏ tái khám. Không ngờ rung nhĩ trở thành mạn tính, âm thầm gây đột quỵ”, bà chia sẻ. May mắn bà H. được cấp cứu tích cực, chỉ bị di chứng yếu nhẹ nửa người trái, được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để hồi phục dần.
TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức khuyến cáo mọi người nên tầm soát đột quỵ để phát hiện sớm bất thường
Phó giáo sư Vinh khuyến cáo, rung nhĩ không chỉ gặp ở người già, ngày càng nhiều người dưới 40 tuổi được chẩn đoán rung nhĩ. Nguyên nhân là nhiều người trẻ có lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ma túy, thuốc lắc… Bên cạnh đó, một số bạn trẻ có bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch… không kiểm soát tốt cũng sẽ dẫn tới rung nhĩ. Có thể nói, chính lối sống kém lành mạnh là yếu tố thúc đẩy bệnh rung nhĩ trẻ hóa.
Hiện nay có nhiều phương tiện giúp phát hiện rung nhĩ. Nếu xuất hiện cảm giác hồi hộp, tim đập không đều, chúng ta có thể mua ống nghe tim, đếm tần số tim đập trong 1 phút. Cách thứ hai hiện đại hơn, đó là đeo đồng hồ điện tử ghi nhịp tim. Nếu vẫn chưa yên tâm, nên đến bệnh viện để được làm các phương pháp hiện đại như điện tâm đồ thường quy (ECG). Tuy nhiên, phương pháp này chỉ ghi nhịp tim trong một khoảng thời gian ngắn nên có thể bỏ sót bệnh nếu bệnh nhân đang “ngoài cơn” rung nhĩ. Để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ chỉ định nhật ký điện tim (Holter ECG) giúp ghi lại nhịp tim liên tục trong vòng 24 giờ hoặc nhiều ngày. Ngoài ra còn có máy ghi sự kiện nhịp tim – thiết bị ghi lại nhịp tim di động, có khả năng theo dõi nhịp tim từ vài tuần đến vài tháng. Việc chủ động tầm soát, phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ, từ đó kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng ngừa đột quỵ, suy tim.
Điều trị rung nhĩ cần kết hợp nhiều phương pháp, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc (điều hòa nhịp tim, thuốc kháng đông…) và các thủ thuật chuyên biệt như sốc điện chuyển nhịp, triệt phá rung nhĩ, cấy máy tạo nhịp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật điều trị tận gốc bệnh rung nhĩ và rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần với sự hỗ trợ của hệ thống lập bản đồ điện học 3D và ống thông (catheter) 64 điện cực. Kỹ thuật này giúp giải quyết triệt để các bất thường rối loạn nhịp phức tạp, cho hiệu quả trên 90%.
Xây dựng lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời ngăn ngừa rung nhĩ. Nên đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu và caffeine, tránh căng thẳng kéo dài, kiểm soát tăng huyết áp, điều chỉnh mức cholesterol, ổn định lượng đường trong máu.
Người lớn tuổi, người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh van tim, bệnh nhân đột quỵ… nên đi khám bác sĩ chuyên khoa loạn nhịp tim để được tư vấn và lên kế hoạch tầm soát, từ đó phát hiện sớm và điều trị rung nhĩ triệt để.
Thu Hà