Từ khi đôi vợ chồng trẻ anh Nguyễn Văn Nơi và chị Phạm Thị Kim Thoa đón chào thiên thần nhỏ Nhã Uyên thì mái ấm này luôn rộn rã tiếng cười, dẫu mỗi người đều mang trên mình dấu vết khiếm khuyết của những căn bệnh quái ác.Gác lại những mặc cảm tật nguyền, chính tình thương và sự động viên của anh Nơi đã giúp chị Thoa tự tin nắm giữ hạnh phúc của riêng mình.
Vượt bao khó khăn, anh Nơi và chị Thoa đã gắn bó với nhau được 3 năm và chung sống yên vui trong mái nhà nhỏ thuộc Tổ ấm nhỏ thuộc ấp số 4, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh. Ngày ngày chồng rong ruổi đi bán vé số khắp các ngã đường, vợ ở nhà cặm cụi với đường kim mũi chỉ. Bằng tất cả sức lực của mình, vợ chồng Thoa luôn siêng năng làm lụng để nuôi nấng Nhã Uyên cơm áo đủ đầy.
Chị Thoa có một tình yêu đặc biệt đối với công việc may, vì nghề không chỉ đơn giản là phương kế mưu sinh mà còn là chiếc phao giúp người phụ nữ tật nguyền vượt qua nỗi mặc cảm số phận.
Lời khen “có tật có tài” không chỉ là sự tin tưởng của khách hàng mà hơn hết còn là một lời động viên ý nghĩa giúp Thoa càng tự tin vào bản thân mình, dù tàn nhưng không phế.
Nếu Thoa ngày đêm may vá thì anh Nơi nào dám nghỉ ngơi khi trên tay vẫn còn nhiều vé số. Đôi chân vốn đã yếu ớt, đường xa lắm khi mỏi nhừ mệt nhọc nhưng người chồng, người cha này chỉ mong những tờ vé số vơi dần trên đôi bàn tay khiếm khuyết để anh có thể nhanh chóng trở về mái ấm của mình.
Dù cơ thể chỉ còn 50% sức khỏe, dù cuộc sống mưu sinh còn lắm nỗi nhọc nhằn nhưng anh Nơi lại vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi là một Đảng viên khuyết tật đầu tiên của chi bộ ấp số 4 và từng đảm nhận chức vụ bí thư Đoàn thanh niên ấp, được bà con yêu thương, địa phương tín nhiệm.
Đằng sau những niềm vui cuộc sống, đâu đó đôi vợ chồng khuyết tật này vẫn còn trăn trở về cuộc sống tương lai khi thu nhập của cả 2 cũng chỉ đủ đắp đổi cơm gạo qua ngày. Nhưng chúng tôi tin rằng với khát vọng sống lạc quan luôn hướng về phía trước của chị Thoa và anh Nơi thì khó khăn trước mắt cũng chỉ là lửa thử vàng, gian nan thử sức.