Ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nắng rát cháy da đượm mùi gió biển, như mọi ngày, ông Huỳnh Văn Điệp lại tất bật chuẩn bị cho chuyến mưu sinh của mình cùng các thành viên khác trong gia đình.

Gắng sức gấp nhiều lần so với người lành lặn để đôi chân teo tóp có thể trụ vững, ấy vậy mà người chồng người cha khuyết tật lại chính là điểm tựa cho tổ ấm 4 thành viên gồm vợ, con trai cùng cháu nội, với công việc sửa chữa điện cơ mấy chục năm qua.

Chịu cảnh khiếm khuyết từ sau cơn sốt bại liệt thuở nhỏ, vất vả lắm ông Điệp mới kiếm được một nghề phù hợp để nuôi thân. Và niềm vui lớn nhất với ông có lẽ bắt đầu từ năm 29 tuổi, rời quê Bến Tre lên Đồng Tháp học thí công cho cơ sở sửa chữa điện cơ. 5 năm  ròng rã tháo lấp từng món đồ gia dụng, dù thu nhập chẳng được là bao nhưng đối với ông, từng đồng tiền kiếm được đều khiến người thợ nghèo vui không kể xiết, bởi ông nhận ra đôi tay mình vẫn còn hữu ích.

Học nghề xong, quay về quê lập nghiệp, ông Điệp thuê mặt bằng mở tiệm sửa chữa ở ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Được một thời gian thì cụt vốn vì bà con chưa chuộng sử dụng mặt hàng điện. Bắt đầu lại ở tuổi 35, người chồng và khi đó là cha của 2 đứa con chọn cách đưa cả gia đình xuống ghe, sinh sống bằng nghề bán đồ rẫy.

Cùng chồng trải qua bao cơn giông bão của cuộc đời không ai khác chính là bà Hoa – vợ ông Điệp. Thương đôi chân tật nguyền của chồng, lại cảm phục ý chí kiên cường ở người đàn ông nghèo, dám buông bắt đủ nghề để chở che gia đình, vậy là bà Hoa đã gắn bó cùng ông cho đến hôm nay. Với bà, việc phải bán đi tài sản lớn nhất là chiếc ghe chở đồ rẫy, rồi chịu cảnh bấp bênh với nghề lô tô, sau đó nữa là đổi dời lần lượt qua 20 chỗ ở khác nhau,  nhưng chỉ cần được ở bên chồng, con là người phụ nữ đã 64 tuổi này, vẫn nguyện lòng vì người bạn đời mà tiến bước. Ngày ngày đấy xe rau đi bán dọc các ngả đường, vợ chồng già chỉ nặng mang một nỗi trăn trở rằng con cháu mình được mấy bữa no….

Cả một đời lam lũ, ông Điệp chỉ mong mỏi mở được cho mình một tiệm sửa chữa chắc chắn, ổn định. Năm 2015, gom góp tích cóp, vợ chồng thuê được một mặt bằng gần chợ xã Bảo Thuận để ông Điệp tiện bề làm việc và bà Hoa cũng có nơi mở sạp bán rau ổn định hơn.

Dù lớn tuổi nhưng ông Điệp vẫn ham mê học hỏi, tranh thủ thời gian rảnh là mày mò sửa thêm đồ điện tử. Tuy những công việc đấu dây, hàn mối nối không làm khó được người thợ cần mẫn nhưng để làm chủ được những vi mạch phức tạp, ông Điệp cần phải tìm nơi dạy nghề bài bản cũng như trang bị đầy đủ dụng cụ chuyên dụng hơn.

Nhưng những tính toán đó làm sao có thể thực hiện được khi cửa tiệm thuê mướn đến nay vẫn còn chưa kiên cố, nợ nần 50 triệu vay mượn từ lần rời ghe lên bờ mấy năm về trước cũng chưa trả nổi… khó khăn cứ thế chồng chất. Trước bao nhiêu thử thách, điều an ủi duy nhất mà ông bà có được chính là hơi ấm tình thân và những lời khích lệ, động viên giúp nhau thêm lạc quan mỗi ngày…

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Ông Huỳnh Văn Điệp, ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *