Từng khỏe mạnh, lành lặn, anh Nguyễn Văn Mạnh đã hy vọng đỡ đần gia đình bằng công việc tài xế lái xe ở quê nhà Long An. Còn chị Tưởng Thị Thu Lịch lại ấp ủ trở thành cô giáo dạy vẽ ở vùng tây nguyên Đắk Lắk. 2 mảnh đời riêng lẻ ngỡ như không bao giờ gặp nhau bởi xa xôi cách trở cho đến khi biến cố tai nạn, bệnh tật ập đến, đã dẫn họ đi vào ngõ cụt vì tay chân không còn nhanh nhẹn. Nhưng, chính ở cuối ngõ cụt ấy, hai mảnh đời tật nguyền – anh Nguyễn Văn Mạnh và chị Tưởng Thị Thu Lịch lại tìm thấy nhau, cùng dựng xây gia đình, thắp lên ngọn lửa đam mê với ngành hội họa – công việc theo đuổi từ sau khi bị khiếm khuyết, suốt mấy năm nay.
Chưa có điều kiện ra riêng nên từ ngày kết hôn, hai vợ chồng anh Mạnh – chị Thu Lịch phải ở nhờ nhà mẹ ruột anh ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Mỗi một buổi sáng của anh chị bắt đầu bằng việc gửi con cho mẹ rồi chạy xe máy hơn 20 cây số tới xưởng tranh ở trường dạy nghề Hóc Môn, TP HCM để làm việc, đều đặn như vậy mỗi ngày 2 bận.
Đoạn đường xa, đi lại bằng xe ba bánh có vất vả, gian nan nhưng 2 vợ chồng quyết không chùn lòng nản chí. Bởi với anh Mạnh, việc bị liệt 2 chân sau tai nạn giao thông năm 2006 khiến anh trở thành khuyết tật đã là cú sốc lớn nhất, thì khó khăn này có là gì.
Khát khao được che chở gia đình chưa bao giờ nguôi trong lòng người đàn ông trụ cột. Cố gắng vượt qua mặc cảm, anh tìm đến trường dạy nghề Hóc Môn cách đây 4 năm, để rồi niềm đam mê vẽ tranh sơn dầu cũng bắt đầu in sâu trong lòng anh cũng kể từ đó. Từ một người đàn ông tay chân thô ráp, vụng về, nhờ kiên trì vượt khó, đến nay anh Mạnh đã có thể hoàn thành nhanh chóng 1 bức tranh phong cảnh bắt mắt hoặc tranh tĩnh vật, tranh hoạt hình vui nhộn…
Còn chị Thu Lịch, căn bệnh xuất huyết não năm 2011 khiến nửa thân người trái teo tóp, khó cử động đã tước đi ước mơ trở thành giáo viên của cô cử nhân ngành sư phạm mỹ thuật, chị Thu Lịch rời quê Đắk Lắk vào Hóc Môn tiếp tục nâng cao nghề vẽ và gặp gỡ những người khiếm khuyết đồng cảnh ngộ. Dẫu đôi tay không còn linh hoạt như trước nhưng bằng sự say mê, cộng với được sự đào tạo bài bản chính quy, người hoạ sĩ này đã thổi hồn vào từng đường nét, giúp bức tranh tĩnh vật, phong cảnh thêm mềm mại, sống động. Trên hết, chính nơi đây chị đã gặp anh, và truyền cho nhau tình yêu về nghề nghiệp lẫn niềm tin vào cuộc sống từ 2 tâm hồn nhiều mặc cảm vì vết thương khiếm khuyết.
Không muốn mẹ già thêm bận lòng, đôi vợ chồng khuyết tật cố gắng chắt chiu từng đồng để tự trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, nuôi nấng con trai sắp tròn 1 tuổi. Thế nhưng để hoàn thành 1 bức tranh sơn dầu cần thời gian khá lâu mà tiền lời nhận được chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn, làm sao anh chị dám ao ước điều xa vời như tìm thuê phòng trọ ngay tại quê nhà Long An để kết hợp mở tiệm bán tranh và phụ liệu như vải bố, khung tranh, giá vẽ.
Thương vợ vừa sinh con không bao lâu lại vất vả đến xưởng vẽ tranh, anh Mạnh dặn lòng ra sức nâng cao tay nghề bằng cách học thêm làm hoa đất sét để đính kết lên nền tranh sơn dầu, giúp giá tranh bán được cao hơn. Thế nhưng trong tay không có vốn, anh khó lòng dành dụm đủ chi phí mua nguyên liệu đắt đỏ như đất sé và khuôn mẫu.
Khó khăn chồng chất là thế nhưng 2 tâm hồn giàu nghị lực chưa phút giây nào ngừng tô vẽ cho cuộc đời nhau bằng những sắc màu lạc quan, hy vọng. Anh chị tin rằng chỉ cần bền lòng vững chí san sẻ với nhau chuyện đời, chuyện nghề thì gian nan mấy cũng có thể vượt qua, đôi chân dẫu có khập khiễng đến đâu thì chỉ cần đồng lòng bước tới cũng sẽ chắc chắn, vững chãi.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Anh Nguyễn Văn Mạnh, ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An 2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. – Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long |
Thùy Dương