Tìm đến gia đình bà Trần Thị Đức – một hộ nghèo nhiều năm của ấp Phước Lộc, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi bắt gặp ngôi nhà Đại đoàn kết vừa được hoàn thành cách đây chưa đầy 1 tháng. Nuôi dưỡng hai người con Thanh Tâm và Thanh Tuyền lớn khôn, rồi dựng vợ gả chồng, ở tuổi về chiều, bà Đức cùng chồng là ông Phạm Văn Thại, chọn cách tự bươn chải mưu sinh để không là gánh nặng cho các con.
Hơn 15 năm gắn bó với công việc lao động chân tay tại các công trình xây dựng ở thôn quê, thu nhập của ông bà vẫn luôn bấp bênh, mà công trình ngày một ít dần trong khi tuổi tác của cả hai ngày một cao. Trong lúc ông bà còn loay hoay kiếm tìm kế sinh nhai ổn định hơn thì biến cố ập đến.
Tai nạn xảy ra khi sức khoẻ của ông Thại đã gần 60 tuổi, những ấp ủ vượt khó thoát nghèo của ông bà càng trở nên khó khăn hơn.
Đối mặt với khó khăn khi mà hằng ngày có quá nhiều khoảng chi phí cần phải lo toan, những công việc buôn bán thời vụ trước đó vốn đã bấp bênh nay lại không thể làm thường xuyên, nên cuộc sống gia đình cứ xoay vần trong cảnh túng thiếu.
Không đầu hàng trước nghịch cảnh cùng với cách tính toán làm ăn thiết thực, CXNA tin rằng khi nhận được sự
hỗ trợ từ chương trình, bà Đức sẽ có một công việc mưu sinh ổn định hơn từ việc mở sạp trái cây. Từ đó, bà sẽ có đủ điều kiện chữa trị cho chồng để ông Thại hồi phục sức khỏe, vợ chồng bà lại tiếp tục những dự tính vượt khó thoát nghèo vẫn còn dang dở.
Rời gia đình bà Đức, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan ngụ tại ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Bà Loan – người phụ nữ quê gốc ở Sóc Trăng, kết hôn và chung sống với ông Đỗ Văn Mừng đến nay đã hơn 30 năm. Không con cái cũng chẳng có ngôi nhà của riêng mình, suốt ngần ấy năm qua, đôi vợ chồng nghèo luôn chí thú làm ăn, cần cù lao động để vươn lên.
Những tưởng vợ chồng bà Loan sẽ có được tổ ấm an yên, vậy mà bất hạnh ập đến. Ông Mừng – từ một người đàn ông trụ cột, một bờ vai vững chắc của gia đình, bất ngờ 5 tháng trước, cơn đột quỵ đã khiến sức khoẻ ông sa sút hẳn, với chứng rối loạn trí nhớ và ngôn ngữ.
Bệnh tật kéo dài, sức khỏe của ông Mừng ngày càng suy yếu hơn trước, trong nhà giờ chỉ còn công việc kết cườm của bà Loan là nguồn sinh kế, nhưng thu nhập cũng chỉ trang trải tạm ngày hai bữa cơm. Với sự vén khéo của mình, bà Loan mong muốn khôi phục lại nghề may vá mà bà từng làm khi xưa để cải thiện cuộc sống gia đình.
Ước mơ là thế, nhưng trong tình cảnh hiện tại của gia đình bà Loan khó lòng thực hiện được bởi số vốn ban đầu để mua sắm đồ nghề, dụng cụ là quá lớn.
Thấu hiểu nỗi lo của hai hộ gia đình, chương trình CXNA quyết định tìm đến và trao cho hai người chơi một cơ hội để hoàn thành ước mơ khởi nghiệp.
Do sức khoẻ hạn chế nên bà Loan và bà Mừng sẽ được hai người cháu hỗ trợ cho phần thi. Cùng cổ vũ thật nhiệt tình để hai gia đình có thêm nguồn động lực vượt qua các thử thách của chương trình ngày hôm nay bà con nhé!