Chuyến xe nhân ái – Kỳ 219: Xã Long Phú, huyện Tam Bình và xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn
17/08/2015Đâu đó ở những miền quê hẻo lánh vẫn còn nhiều mảnh đời cơ cực, bao năm nặng gánh áo cơm nhưng cuộc sống chưa thể vươn lên bởi bệnh tật, khó nghèo… Mỗi nhà mỗi cảnh với những nỗi niềm trăn trở khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là ý chí vượt qua khó nghèo và những ước mơ rất đỗi giản đơn về một nơi an cư cùng một công việc làm ăn ổn định mà bà con hằng ấp ủ.
Gia đình anh Tạ Phước Ngọc, ngụ ấp Phú Sơn A, xã Long Phú, huyện Tam Bình
Vụ tai nạn giao thông trong lúc đi làm về cách nay 2 năm đã khiến người đàn ông trụ cột như anh Ngọc không còn đủ sức để lao động nặng lo cho gia đình như trước. Một mình với gánh nặng áo cơm, chị Thanh – vợ anh Ngọc – tự nhủ phải mạnh mẽ hơn để đảm đương trách nhiệm trụ cột. Thế nhưng, thu nhập vài chục ngàn từ việc đan lát không đủ trang trải thang thuốc cho chồng cùng chi phí ăn học của 2 đứa con.
Thương cha đau yếu còn mẹ phải vất vả vì gia đình nên chị em Mai Xuân – con anh Ngọc – luôn biết động viên nhau cố gắng học tập và tranh thủ sau giờ đi học về phụ cha mẹ bắt ốc, hái rau trang trải bữa cơm nghèo và nuôi dưỡng ước mơ vào giảng đường Đại học.
Bao ước mơ dự định về một ngày mai khởi sắc hơn bằng việc chăn nuôi hay bằng chính con đường học tập của cả gia đình vẫn còn lắm gian nan, bởi mái nhà được dựng tạm hơn 7 năm qua đã vẹo xiêu mà vợ chồng anh Ngọc, chị Thanh vẫn chưa có điều kiện sửa sang lại cho lành lặn.
Gia đình ông Huỳnh Văn Tước ngụ ấp Phú Sơn A, xã Long Phú, huyện Tam Bình
Tuổi cao sức yếu lại mang trong người nhiều căn bệnh như viêm gan, tiểu đường nên cuộc sống của vợ chồng ông Tước, bà Nữ gặp nhiều khốn khó. Công việc nơi quê nhà thu nhập không nhiều nên anh Phước – con trai ông Tước – quyết định lên thành phố HCM lập nghiệp. Thế nhưng, số tiền ít ỏi kiếm được từ công việc phụ hồ không đủ thang thuốc cho cha mẹ già cùng số nợ hơn 20 triệu đồng vay mượn trị bệnh khi xưa.
Gia đình anh Tôn Khắc Tính ở ấp Phú Thạnh, xã Long Phú, huyện Tam Bình
Không ngại khó khi hành trang khởi nghiệp chỉ là đôi bàn tay trắng, anh Tôn Khắc Tính siêng năng làm lụng những mong sớm đưa gia đình vượt qua nghèo khó. Mong muốn cùng chồng san sẻ gánh nặng áo cơm, vậy là mặc cho sức khỏe chưa kịp hồi phục sau ca phẫu thuật khối u thận hơn 1 năm nay, chị Liên – vợ anh Tính – tranh thủ lúc khỏe là nhận hàng về đan lát gia công.
Giữa bộn bề của bệnh tật, chuyện học hành của con cái cùng số nợ 25 triệu đồng vay mượn chữa bệnh trước đây chưa trả được, thì ước mơ sửa lại căn nhà của gia đình biết đến bao giờ mới thành hiện thực?
Gia đình bà Nguyễn Thị Chính ngụ ấp Cống Đá, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn
Căn nhà nhỏ liêu xiêu được che chắn tạm bợ bằng những tấm nilong lại là nơi trú ngụ của 5 thành viên gia đình bà Nguyễn Thị Chính ngụ ấp Cống Đá, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn. Cả một đời lam lũ mưu sinh lo cho gia đình, đến tuổi xế chiều, vì thương con thương cháu nên ở tuổi 75, bà Chính vẫn cố gắng chắt chiu ít tiền từ việc cạo hạt điều gia công để phụ người con gái vượt qua giai đoạn thắt ngặt.
Nén chặt nỗi đau đổ vỡ khi người chồng bỏ đi hơn 2 năm qua, chị Hậu – con bà Chính – dặn lòng phải cố gắng làm lụng nhiều hơn nữa để cuộc sống bớt phần chật vật. Thế nhưng, thu nhập vài chục ngàn mỗi ngày từ việc chặt củi hay dặm lúa thuê của chị Hậu không đủ thuốc thang cho mẹ cùng chuyện học hành của 3 đứa con tốn nhiều chi phí.
Bao năm vất vả với bao nỗi lo toan về miếng cơm manh áo, thế nên, mong muốn sửa lại mái lá dột xiêu hơn 5 năm qua của cả gia đình chị Hậu đến nay vẫn còn là niềm mơ ước…
Gia đình anh Trần Hồng Tâm ngụ ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn
Cần cù chịu khó lao động nhưng công việc thuê mướn bấp bênh, lại thêm việc chăn nuôi vịt thất bát do dịch bệnh nên cuộc sống của vợ chồng anh Trần Hồng Tâm và chị Nguyễn Mộng Thu ngụ ấp Giồng Gòn nhiều năm qua vẫn chưa thể thoát nghèo.
Có 2 đứa con nhưng không may đứa lớn mắc phải căn bệnh bại não bẩm sinh cần nhiều chi phí thuốc thang cùng chuyện học hành của đứa con gái nhỏ càng khiến cuộc sống gia đình rơi vào túng quẫn.
Bao năm tất tả mưu sinh, thế nhưng bệnh tật cùng chuyện làm ăn thất bát đã khiến ước mơ sửa lại căn nhà xiêu dột của các thành viên đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ ở ấp Cống Đá, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn
Hàng ngày anh Nguyễn Hoàng Vũ ở ấp Cống Đá vẫn miệt mài bên công việc hái dừa thuê để trả số nợ hơn 10 triệu đồng vay mượn trồng cam thất bát khi xưa.
Khó khăn còn đó nhưng chị Thùy – vợ anh Vũ – vẫn tin rằng khi đôi tay còn miệt mài lao động sớm hôm thì nhất định cuộc sống sẽ có những đổi thay tích cực. Vậy là không quản nhọc nhằn, chị đi làm đủ việc thuê mướn từ dặm lúa, làm cỏ đến hái nhãn hay cạo hạt điều thuê chỉ với mong ước giản đơn là lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn.
Tuyết Ngân – con gái lớn của anh Vũ – dù cơ thể yếu ớt do căn bệnh hở van tim hai lá hơn 2 năm qua không tiền chạy chữa nhưng vẫn cố gắng học hành và cùng đứa em Tuyết Lan lo chuyện cơm nước trong ngoài để cha mẹ an tâm làm lụng. Bao năm loay hoay tìm lời giải đáp cho bài toán thoát nghèo của gia đình nên ngôi nhà hơn chục năm đã dột nát mà vợ chồng anh vẫn chưa có điều kiện sửa sang lại cho lành lặn.
Tấn Đạt