Hơn 5 năm qua, Chuyến xe nhân ái đã đi khắp các xã, huyện trong tỉnh Vĩnh Long, giúp vốn cho bà con nghèo xây sửa nhà cửa để yên tâm làm lụng. Tiếp tục hành trình này, chương trình Chuyến xe nhân ái mở rộng ra các tỉnh khác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc hành trình mới sẽ có những thay đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho bà con nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống.
Kể từ số phát sóng hôm nay, mỗi chương trình sẽ có sự tham gia của 4 hộ gia đình đặc biệt đến từ các tỉnh khác nhau. 4 hộ sẽ cùng tranh tài ở 2 trò chơi vận động và một vòng rút logo cấp vốn, để mang về số tiền từ 10 đến 40 triệu đồng. Với số tiền này, bà con không chỉ có thể xây sửa nhà cửa mà còn có thể chữa bệnh, trả nợ, làm ăn hay giải quyết những khó khăn cấp thiết trong gia đình để từ đó ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Video chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 265: xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An
Mở đầu cho chuyến hành trình mới, Chuyến xe nhân ái tìm đến xã Tân Hòa – một địa phương nằm trong vùng sâu của huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Đời sống của một số bà con nơi đây hãy còn gặp khó khăn vì không có vốn liếng đất đai hay việc canh tác chịu thất bát vì dịch bệnh và thất mùa.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tiết, ấp Trung, xã Tân Hòa.
Một nắng hai sương lam lũ trên ruộng đồng, những người phụ nữ chân lắm tay bùn luôn lấy sự tảo tần hy sinh để lo lắng cho gia đình một tổ ấm dù thân cò đơn độc. Hoàn cảnh đầu tiên là 2 mẹ con bà Nguyễn Thị Tiết ngụ ấp Trung, vất vả mưu sinh từ khi người đàn ông trụ cột trong gia đình qua đời.
Gần trọn cuộc đời làm lụng nuôi con rồi nuôi cháu, bà Tiết mắc bệnh tiểu đường phải cưa mất 1 chân. Người con trai duy nhất trong gia đình cũng qua đời vì căn bệnh nhồi máu cơ tim, nên mọi gánh nặng trong ngoài giờ đây đổ đồn lên một mình chị Út, con dâu của bà Tiết.
Trở về quê làm thuê làm mướn để gần gũi mẹ, kiếm được đồng nào, chị Út lại dành dụm để lo chuyện thuốc thang. Mơ ước lớn nhất của chị giờ đây không gì hơn là lo lắng được cho Y Phụng, đứa con gái lớn, thi đậu đại học để tương lai của gia đình thoát cảnh nghèo khó.
Gia đình anh Lê Văn Tèo, ấp Tây Nam, xã Tân Hòa.
Mắc bệnh bại não từ khi mới lọt lòng, Tín – con trai anh Tèo và chị Trương Thị Hồng Nhiên – tuổi ngoài 20 tuổi mà chỉ như 1 đứa trẻ, khiến lòng người làm cha người làm mẹ không khỏi xót đau.
Thương con không có tiền thang thuốc thì bệnh lại lên cơn tái phát nên chị Nhiên dù đôi chân khập khập khiễng vẫn lặn lội đi bán từng tờ vé số. Ngày nào mưa gió thì chị về nhận sửa quần áo bên chiếc máy may cũ kỹ để kiếm thêm tiền rau cháo cho con.
Gia đình bà Võ Thị Sáu, ấp Trung, xã Tân Hòa.
Chuồng gà này trước đây từng là nơi khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Chơn con bà Võ thị Sáu, ngụ ấp Trung, với ước mong cuộc sống gia đình rồi đây sẽ khấm khá từ đôi bàn tay cần cù lao động.
Thất bát từ việc chăn nuôi, cộng thêm người mẹ già đau yếu vì bị tai nạn giao thông và bỏng xăng cách đây 8 năm, càng khiến anh Chơn nặng lòng lo nghĩ chuyện cơm áo khi nhà cửa không có đất đai hay vốn liếng.
Nặng gánh lo âu về món nợ quá lớn, nên biết đến bao giờ 2 mẹ con bà Sáu mới có cuộc sống bình yên?
Gia đình anh Trần Văn Ly, ấp Đông Nam, xã Tân Hòa.
Ngôi nhà với nền đất chỗ thấp chỗ cao, vách lá cột hờ bằng những sợi dây lạt đã mục là nơi trú ngụ của cả gia đình anh Ly hơn chục năm nay.
Bắt tay vào chăn nuôi vịt, vợ chồng anh Ly hy vọng mái nhà mình rồi đây sẽ được che chắn khỏi những ngày mưa gió, thế nhưng việc chăn nuôi chẳng dễ dàng gì vì dịch bệnh cứ liên tiếp ập đến.
Chắp nối tạm vách lá cho qua mùa mưa sắp tới, anh Ly cũng không biết đến bao giờ mới có thể cho vợ con một tổ ấm lành lặn hơn.
Hồng Ngân