Cứ mỗi lần ghe cập bến là anh Nguyễn Văn Lý ngụ ấp 3 xã Tân Kiều huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp lại tất tả bắt đầu công việc của mình. Nghề bốc vác nơi lò sấy lúa là công việc rất phổ biến của bà con lao động nghèo ở địa phương nơi đây. Gồng mình vác từng bao lúa cồng kềnh che khuất cả thân người bé nhỏ, thêm một ngày không phải thất nghiệp, chỉ vậy thôi nhưng anh vui lắm vì có thể kiếm được ít tiền trang trải cho bữa cơm gia đình.
Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 336: Anh Nguyễn Văn Lý
Nhìn anh lam lũ, đôi tay không kịp nghỉ, đôi chân bước không còn được vững vàng như thời trẻ, có mấy ai hiểu rằng, sự cố gắng nơi người đàn ông này là tất cả yêu thương dành cho gia đình, mong mỏi kiếm thêm được chút tiền lo cho vợ con.
Cả quãng đời nhọc nhằn gió sương với công việc làm thuê, làm mướn, đổi lại cho anh chỉ là chuỗi ngày cùng vợ con sống nhờ ở tạm nơi đất khách quê người. Cuộc sống dường như ngày càng khó khăn hơn khi sức khỏe và khả năng lao động của anh đã giảm sút, miếng cơm manh áo vẫn mãi là nỗi lo canh cánh bên lòng và câu chuyện thoát nghèo vẫn còn là nỗi trăn trở trên những nẻo đường mưu sinh của anh.
Tháng 10, lũ dâng cao từ vùng thượng nguồn đến hạ lưu…Chỉ một đêm thôi mà đồng ruộng ngập chìm trong biển nước…Mất mát thương đau đè nặng trên vai những người nông dân như anh Lý chị Diệu, vốn đã không dư giả gì nay lại càng bộn bề khó khăn. Bao nhiêu vốn liếng bỏ ra chẳng thu lại được gì, nợ nần chồng chất không trả nổi, vậy là anh chị bỏ xứ, bắt đầu cuộc sống lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ. Hơn mười năm ăn uống, sinh hoạt trên sông, cảnh sống chật vật của gia đình anh chị chỉ có thể đong đếm bằng chuỗi ngày thiếu hụt. Mỗi ngày anh chị ngược xuôi chèo chống ghe đi bán hàng bông. Mùa nước lên thì đi giăng lưới bắt thêm dăm ba con cá, con tép cho bữa cơm nghèo bớt phần đạm bạc.
Rồi thì chiếc ghe, tài sản duy nhất của gia đình cũng mục nát, nỗi buồn đau khó ai có thể hiểu hết được khi suốt bao năm qua, anh chị không có đất ở, phải ở đậu trên phần đất của người quen. Căn nhà cũ thuê lại, mái lá, cột kèo cũng bắt đầu xiêu vẹo, xác xơ. Và giữa muôn vàn nỗi lo, gia đình còn nhận được tin sắp tới người chủ sẽ lấy lại đất để bán cho người khác…
Từ dạo chuyển lên bờ sinh sống, kế mưu sinh chẳng có gì ngoài việc mua bán hàng bông mà chị Diệu gắn bó bao năm nay. Trên chiếc xe cũ, không ngại nắng gió hay mưa bão, chẳng ngại đường xa nhọc nhằn, chị vẫn kiên nhẫn đi bán từng bó rau, cọng cải, hay tranh thủ mời từng tờ vé số để kiếm thêm. Từng giọt mồ hôi thấm đẫm trên vai áo bạc màu, chị đâu chỉ có nỗi lo cơm áo gạo tiền của gia đình mà còn là bao trăn trở không nguôi về chuyện học hành của các con, rồi căn bệnh thoái hóa khớp của anh Lý trở nặng khiến anh nhiều hôm không thể gượng dậy nổi.
Còn anh Lý, cứ mỗi khi cột sống bớt đau, anh lại kiên trì với những công việc làm thuê nặng nhọc của mình với mong muốn ít tiền cho các con sắm cây viết, cuốn tập. Bao năm qua, bệnh tật, khó nghèo dường như đã lấy đi những dự định tương lai và để lại rất nhiều nỗi trăn trở, lo toan hằn sâu lên đời người lao động. Thế nhưng, chính khoảng thời gian này đã giúp anh Lý chị Diệu thấm thía nhiều hơn nghĩa vợ chồng cùng nhau bước qua chuỗi ngày bấp bênh, thiếu hụt, để rồi, càng quyết tâm để tương lai các con được tươi sáng hơn.
Từ những bước khởi đầu đầy khó khăn, may mắn là bên cạnh anh Lý vẫn còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái luôn giúp đỡ gia đình anh. Gần đây nhất là anh Lý được người em cho mượn con bò giống làm vốn khởi đầu cho việc chăn nuôi. Thấy cha mẹ vất vả mưu sinh bên ngoài, Thảo – con trai của anh chị – tìm niềm vui nho nhỏ cho mình từ những việc nhà để đỡ đần cha mẹ. Mỗi buổi tan trường về nhà, người dân nơi xóm nhỏ lại thấy Thảo hăm hở xách giỏ đi cắt cỏ cho bò ăn. Giọt mồ hôi mặn rơi xuống, Thảo càng hiểu hơn về nỗi nhọc nhằn của cha mẹ và em biết mình phải nỗ lực hơn nữa, giúp cha mẹ phát triển được việc chăn nuôi, từng bước thực hiện ước mơ thay đổi cuộc sống của gia đình.
Có lẽ sau này, khi nhắc về những năm tháng tuổi thơ thì điều in đậm trong lòng cậu học trò Nguyễn Văn Thảo chính là những lời dạy của Bác Hồ mà cha luôn dùng để nhắc nhở các em trong học tập. Ảnh Bác được Thảo và cha đặt trang trọng bên cạnh góc học tập của em – nơi tươm tất nhất trong ngôi nhà như nhắc nhở em phải cố gắng không ngừng cho việc học.
Xuất thân trong cảnh nghèo, anh Lý chỉ học được hết lớp 3 trường làng đã phải nuối tiếc từ bỏ để đi làm phụ giúp gia đình. Thế nhưng những lời dạy của Bác qua những trang sách đọc vội đã thấm nhuần trong anh tinh thần học tập. Tất cả những khó khăn xuất phát từ cái nghèo, nên giờ đây quyết tâm cho các con học hành đàng hoàng là cách anh thực hiện giấc mơ còn dang dở của mình và giúp cho các con có được một nền tảng vững chắc. Quyết tâm to lớn ấy đã nuôi lớn trong lòng Thảo những ước mơ cho tương lai. Từng là một học sinh khá ở những năm học cấp 1, Thảo đã nỗ lực học tập hết mình, để rồi từ những năm học cấp hai cho đến nay, em luôn dẫn đầu trường lớp về thành tích học tập, được thầy cô, bạn bè quan tâm, quý mến.
Những giọt mồ hôi nhọc nhằn, sự hy sinh lặng thầm của cha mẹ là dòng sông yêu thương tắm mát cuộc đời, giúp Thảo và đứa em gái Nguyễn Thị Ngân vững lòng hơn bên trang sách. Để rồi bao năm qua nơi xóm nghèo các em được xem là tấm gương của nghị lực phấn đấu và học giỏi. Dù các em phải học hành trong điều kiện thiếu thốn, bàn ghế đơn sơ, cây viết, quyển tập cũng không đủ đầy nhưng chính những nét chữ đầu đời này đã thắp lên ánh sáng niềm tin giữa những gian truân, khó nghèo để gia đình có thể hy vọng rồi đây những ước mơ sẽ thành hiện thực.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Anh Nguyễn Văn Lý, ấp 3 xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp 2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long |
Khánh Phương