Suốt bao năm tháng qua nơi giảng đường đại học, cậu sinh viên nghèo vẫn miệt mài học tập với tất cả đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ và như một sự đền đáp cho những hi sinh thầm lặng mà gia đình đã dành cho em. Hành trình đi đến ước mơ của Nguyên chưa bao giờ dễ dàng đối với em khi cảnh sống thiếu thốn, chật vật hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ, từng buổi đến trường vì hơn 3 năm ròng em vẫn chưa có được một phương tiện đi lại dù là chiếc xe đạp.
Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 332: Ông Nguyễn Văn Lái
Khó khăn đó còn là nỗi trăn trở của bậc làm cha làm mẹ, nơi quê nhà tất tả ngược xuôi với công việc đồng áng, nhưng vẫn luôn mong cho con cái mình được tiến xa hơn trên con đường tri thức.
Còn nhớ, ngày cầm trong tay tấm giấy báo trúng tuyển đại học của con trai, bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của Nguyên đã vui mừng khôn xiết. Vậy là cánh cửa tương lai của con và của cả gia đình đang ở phía trước, nhưng muốn bước qua còn phải đối mặt với biết bao thử thách, gian nan, nhất là khoản chi phí học tập về sau.
Đôi chân lấm lem bùn đất, tấm lưng còng theo cái nghiệp làm thuê và gương mặt sạm đen qua những mùa nắng mưa mà thu nhập lại ít ỏi, bà Loan thấm thía lắm cái cực nhọc của đời lao động nghèo và lấy đó làm động lực để quyết tâm cho con mình có được một tương lai vững vàng, tươi sáng hơn.
Kể từ khi ông Lái bị tai nạn, gánh nặng cơm áo, học hành của con và thuốc thang đè nặng lên đôi vai người vợ
Cuộc sống gia đình rơi vào cảnh thắt ngặt kể từ ngày trụ cột chính trong nhà là ông Nguyễn Văn Lái không may gặp tai nạn, té từ trên cao xuống, bị chấn thương xương đùi và ảnh hưởng tới thần kinh bàng quang. Không ít lần ông cảm thấy xót xa, bất lực khi nhìn vợ phải một mình gồng gánh bao khoản chi phí trong ngoài, đứa con trai lớn cũng đành bỏ dở chuyện học hành để kiếm việc làm phụ giúp mẹ.
Hơn 10 năm qua mòn mỏi nơi góc nhà, xó bếp, một ngày của ông Lái trôi qua nhẹ nhàng với chuyện cơm nước, giặt giũ nhưng trên mái tóc đã điểm bạc, trên gương mặt nhiều nếp nhăn của người đàn ông ngoài sáu mươi vẫn nặng nề khắc khoải bao suy tư. Động lực cho ông là tình thương và sự hi sinh thầm lặng của người vợ hiền, là niềm vui khi được cùng người bạn đời dõi theo bước trưởng thành từng ngày của các con.
Căn nhà sàn – đặc trưng của vùng chịu lũ tỉnh An Giang, bao năm qua là nơi nương náu của bốn thành viên trong gia đình ông Lái. Từ ngày dựng cất, vật liệu chủ yếu chỉ là cây tạp, vách lá đơn sơ, nên trải qua bao năm tháng khó khăn, chật vật của gia đình, mái nhà cũng tả tơi, nghiêng ngã.
Cái nghèo cứ đeo đẳng cuộc sống hằng ngày, cái ăn, cái mặc, rồi chuyện thuốc thang đã là một bài toán chi tiêu khó khăn thì hai vợ chồng ông lấy đâu ra tiền để thuê thợ sửa sang hay xây cất lại. Ông Lái cũng vì vậy mà gặp tai nạn trong lúc chặt nhánh cây để sửa lại nhà cho đỡ dột xiêu.
Nhìn gian nhà trống trơn, lạnh lẽo mỗi khi trời mưa gió, một người bà con tốt bụng lại cho ông bà ít lá để che tạm. Nhưng rồi, nỗi tủi buồn về chỗ ở không lành lặn của đôi vợ chồng già vẫn cứ dai dẳng theo năm tháng và nỗi âu lo vẫn len lỏi trong lòng những đứa con xa nhà.
Giữa cuộc sống còn biết bao gian khó, bộn bề, điều mà người cha nghèo có thể làm là động viên các con cùng nỗ lực cho tương lai. Nơi phương xa, các con đang cố gắng học tập và lao động thì ở quê nhà, đôi vợ chồng già cũng đang vun vén từng ngày cho cuộc sống. Những việc làm dù nhẹ nhàng hay nặng nhọc, ông Lái và bà Loan chưa giây phút nào cho phép mình ngơi nghỉ trên con đường vươn tới ước mơ thoát nghèo. Bầy heo mà người hàng xóm gởi nuôi giùm, khi rã bầy thì tiền lời chia đôi, là một công việc mới mà ông bà đang đặt hy vọng để cuộc sống gia đình vơi phần chật vật, đứa con út sẽ vững bước hơn trên chặng cuối của giảng đường đại học.
Hơn mười năm qua, dù trong cảnh khó nghèo, nhưng nơi mái nhà xiêu vẹo vẫn nồng ấm hơi thở yêu thương mà các thành viên trong gia đình đã dành cho nhau. Và ở đó, không khí lao động, học tập vẫn rộn ràng để hướng về một tương lai tươi sáng.
Thương chồng bệnh tật, đôi tay mềm yếu của người vợ buộc mình phải mạnh mẽ để thay chồng gánh vác gia đình, làm điểm tựa cho các con. Thương cha mẹ, thương em trai, nên Nguyễn Trường Tồn – đứa con trai lớn của ông Lái, vẫn luôn âm thầm hi sinh theo cách riêng của mình. Cuộc sống nay đây mai đó theo máy cắt, theo phụ hồ công trình hay bao công việc không tên khác để có tiền gởi về cho cha uống thuốc, cho em đi học, nhưng niềm tin vẫn len lỏi trong từng bước chân không mệt mỏi, trong từng giọt mồ hôi thấm mặn của một thanh niên chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn.
Không mặc cảm hay ngần ngại khi trải lòng về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, với Nguyên, những khó khăn ấy như một phần trong cuộc sống, để rồi ở mỗi thành công đạt được, em sẽ cảm thấy tự hào và xứng đáng cho những nỗ lực của mình. Biết bao kiến thức mà em được vun nạp nơi giảng đường hôm nay sẽ là hành trang vững chắc để em có thể thực hiện ước mơ trở thành kĩ sư nông nghiệp – một ước mơ đẹp góp phần dựng xây quê hương và gần hơn là giúp gia đình vượt qua khó nghèo. Đằng sau đó là đền đáp công ơn của người mẹ, người cha, người anh trai đã luôn đặt niềm tin và kỳ vọng nơi em.
Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ: 1/ Ông Nguyễn Văn Lái, ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang 2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. 3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo – Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long – Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long – Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long |
Cẩm Nhường