Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, Bộ đề xuất những quy định cụ thể về mức đóng, mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Ảnh minh họa

 

Bộ Y tế cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) giao Chính phủ quy định chi tiết 5 nội dung về: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT; mức hưởng BHYT; phân bổ, sử dụng Quỹ BHYT; quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện BHYT đối với lực lượng quân đội và công an.

Để hướng dẫn các điều luật được giao nêu trên, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung là cần thiết để tạo thuận lợi cho việc triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về BHYT, trên cơ sở đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT. Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về y tế nói chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHYT nói riêng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 8 điều bao gồm những quy định về mức đóng, mức hỗ trợ đóng và mức hưởng BHYT; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT; điều khoản thi hành.

Đề xuất mức đóng, hỗ trợ đóng BHYT với các đối tượng cụ thể

Về mức đóng, hỗ trợ đóng BHYT, Bộ Y tế cho biết, Khoản 13, Điều 1 của Luật đã quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết mức đóng và hỗ trợ đóng cho các đối tượng tham gia BHYT. Mức đóng của các đối tượng tham gia BHYT giữ nguyên quy định của Nghị định số62/2009/NĐ-CP bằng 4,5% mức tiền lương tháng, lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tiền trợ cấp thất nghiệp.

Theo Bộ Y tế, trong Luật chỉ đưa ra các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nói chung, tuy nhiên trong thực tế triển khai thực hiện chính sách BHYT thì việc tính toán mức đóng cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức khi họ được cử đi học tập hoặc công tác dài hạn tại các cơ quan đại diện của nhà nước tại nước ngoài, trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Do đó, trong dự thảo Nghị định quy định cụ thể mức đóng, trách nhiệm đóng của các đối tượng này.

Bên cạnh đó, ngoài các đối tượng được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế thấy rằng các quy định về hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho các đối tượng là người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT trong Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ không còn phù hợp trên thực tiễn vì Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 50% đang áp dụng theo Nghị định 62/2009/NĐ-CP lên mức 70%. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định cũng quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng này lên 70%.

 

Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể mức đóng của các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trường hợp tất cả các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT thì mức đóng như sau: Người thứ nhất đóng bằng mức 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Theo (Chinh phu.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *