Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Tài chính đang dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Ảnh minh họa |
Dự thảo này hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.
Điều kiện, thủ tục hưởng hỗ trợ
Để được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập, sinh viên phải thỏa mãn các điều kiện sau: 1- Thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy, bao gồm: Các đối tượng dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trúng tuyển và nhập học tại các cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng tại năm tham gia dự thi tuyển sinh. Các quy định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc quy định mới về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy (nếu có).
2- Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thi đỗ vào học hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học. Chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ (hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015).
Dự thảo nêu rõ, trong vòng 30 ngày kể từ khi bắt đầu khai giảng năm học, sinh viên có đơn đề nghị hỗ trợ chi phí học tập gửi phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập), cơ sở giáo dục đại học công lập kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo; Giấy khai sinh.
Người học thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập chỉ phải làm 1 bộ hồ sơ lần đầu và sang kỳ 2 của năm học phải nộp bổ sung hồ sơ trong trường hợp gia đình thuộc diện đã thoát nghèo hoặc bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo dự thảo, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập căn cứ quy định để tổ chức quy trình kiểm tra, đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ; tổng hợp, lập danh sách và dự toán kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để thẩm định, phê duyệt, tổng hợp gửi cơ quan tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được đơn đề nghị của sinh viên và hướng dẫn sinh viên nộp hồ sơ quy định về Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú) để thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng và xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hỗ trợ bằng 60% mức lương cơ sở
Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên; số năm được hưởng hỗ trợ chi phí học tập theo thời gian đào tạo chính thức.
Về phương thức chi trả hỗ trợ chi phí học tập, theo dự thảo, kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên cơ sở giáo dục đại học công lập được ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo hình thức giao dự toán.
Dự thảo nêu rõ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho sinh viên học tại cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Tiền hỗ trợ chi phí học tập được cấp như sau: Cấp 10 tháng/năm theo kỳ hạn như sau: Lần 1 cấp 5 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; Lần 2 cấp 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.
Theo (Chinhphu.vn)