Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng quy trình vận hành, khai thác phà một lưỡi, Bộ Giao thông vận tải đề xuất một loạt các quy định về vận hành, khai thác nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động của phà một lưỡi.
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, chủ phương tiện khi đưa phà một lưỡi vào hoạt động chở khách, chở ô tô phải bảo đảm phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm, có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện còn hiệu lực, có bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật; kẻ hoặc gắn biển số đăng ký phương tiện, sơn kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện, trang bị đủ số lượng, đúng chủng loại các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định.
Dự thảo nêu rõ, người lái phà một lưỡi phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển; bố trí thuyền viên và người lái phà một lưỡi đúng theo đăng ký trong danh bạ thuyền viên; không được giao phương tiện cho người lái phà một lưỡi trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi bằng lái, chứng chỉ chuyên môn.
Người vận hành, lái phà một lưỡi chỉ được đưa phà một lưỡi ra chở khách, chở phương tiện khi đã bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Đảm bảo an toàn đối với người, phương tiện
Trước khi cho phà một lưỡi xuất bến phải kiểm tra việc bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện; phát áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay đầy đủ để người đi phà sử dụng; bố trí chỗ ngồi, đứng cho hành khách; sắp xếp hàng hoá, hành lý, xe đạp, xe máy, ô tô bảo đảm ổn định không làm nghiêng lệch phà một lưỡi; chỉ được phép chở động vật nhỏ phải được nhốt trong lồng, cũi; nghiêm cấm chở động vật lớn cùng với người, chở chất dễ cháy, dễ nổ, độc hại, hôi thối hoặc súc vật bị dịch bệnh cùng với người.
Theo dự thảo, tuyệt đối không cho phà xuất bến khi không bảo đảm các điều kiện an toàn; không được chở quá số lượng hành khách và phương tiện theo quy định; nghiêm cấm bơm, xả nước bẩn, đổ rác thải, các hợp chất có dầu, các loại độc khác xuống vùng nước của bến.
Hành khách đi phà một lưỡi có trách nhiệm chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện hoặc tuân theo sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phà. Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu và người khuyết tật.
Dự thảo nêu rõ, xe cơ giới phải xuống phà trước, xe thô sơ, người đi bộ xuống phà sau; khi lên bến, người đi bộ lên trước, các phương tiện giao thông lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông.
Hành khách khi đi phà một lưỡi phải mặc áo phao và ngồi đúng vị trí để giữ ổn định cho phà.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ những quy định nhằm bảo đảm an toàn và quy trình khai thác, chuyên chở bằng phà một lưỡi. Trong đó quy định cụ thể: Đường vào bến; mặt bến, mặt phà; quy trình chuyên chở…
Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm quản lý hoạt động bến có sử dụng phà một lưỡi của các cơ quan hữu quan như: Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Sở Giao thông vận tải.
Đặc biệt, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm công bố các mẫu phà một lưỡi được phép chở ô tô để các địa phương có cơ sở đóng mới hoặc hoán cải phương tiện thủy nội địa theo đúng quy định; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật và Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phà một lưỡi được phép chở ô tô theo quy định hiện hành.
Phà một lưỡi là loại phương tiện thủy có động cơ được đưa vào vận tải khách và chở ô tô. Đây là phương tiện ngang sông thay thế các đò ngang truyền thống dùng để vận chuyển người và hàng hóa qua sông mang lại hiệu quả kinh tế và an toàn hơn so với đò ngang. Phà một lưỡi tiện lợi hơn so với phà hai lưỡi (tốn ít nhiên liệu hơn, linh hoạt hơn nên vòng quay nhanh hơn, đầu tư ban đầu cũng thấp hơn phà hai lưỡi). Cũng chính từ đây, tư nhân hoạt động kinh doanh chở phà tại các bến khách ngang sông có xu hướng đầu tư chạy phà một lưỡi. Đặc biệt, trên các tuyến đường huyện, lưu lượng xe không lớn, hoạt động phà một lưỡi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vì là phà một lưỡi, nên xe ô tô phải lùi để đi lên, xuống phà. Với hầu hết các tuyến đường nông thôn từ cấp huyện trở xuống hiện nay, vượt sông bằng phà một lưỡi là mong mỏi của người dân tại nhiều địa phương khi chưa có cầu vượt sông. Được biết, nhiều sở Giao thông vận tải đã kiến nghị cho phép sử dụng phà một lưỡi. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo nghiên cứu kĩ lưỡng về vấn đề này theo hướng cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân song vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. |
Theo (Chinhphu.vn)