Trong năm 2008, trên cả nước chỉ còn gần 70% hộ gia đình dùng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh, giảm hơn 20% so với năm 2005. Số bệnh nhân mắc bướu cổ đang tăng trở lại với tốc độ khá nhanh.

Thông tin được công bố trong buổi vận động Toàn dân sử dụng muối iốt tổ chức ngày 2/11.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương, trong 1-2 năm trở lại đây, số bệnh nhân bướu cổ vào viện đang có xu hướng tăng và chiếm đến gần 50% tổng số bệnh nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, vào những năm 1993-1998, tỷ lệ người dân mắc bướu cổ ở nước ta rất cao, lên tới gần 23% do đa phần dân số nằm trong vùng thiếu hụt iốt. Tuy nhiên đến năm 2005, Việt Nam chính thức công bố thanh toán bệnh này (tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ 8-12 tuổi là dưới 5%) nhờ chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bướu cổ.

"Nhưng sau đó dự án phòng chống bướu cổ chuyển sang là hoạt động thường quy của ngành y tế khiến việc đầu tư cho việc phòng chống thiếu hụt iốt bị cắt giảm từ trung ương đến địa phương. Độ bao phủ muối iốt tại một số khu vực đã bị sụt giảm", tiến sĩ Quang cho biết.

Ông Lương Ngọc Khuê, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đồng tình với quan điểm này. Ngoài ra theo ông, một lý do nữa là các cán bộ làm công tác này chủ quan vì cho rằng đã đạt mục tiêu.

Ngoài những nguyên nhân trên, ông Lê Phong, phòng Chỉ đạo Chuyên khoa, Bệnh viện Nội tiết cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng iốt sụt giảm cũng do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của iốt với sức khỏe.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện, cứ 10 người được hỏi thì có 4 người nghĩ sử dụng iốt có mùi vị khó chịu, trong khi thực tế thì iốt là lượng vi chất rất nhỏ, không màu, không mùi. Bên cạnh đó, hơn 50% trong số họ vẫn có thói quen sử dụng muối thường.

Một nguyên nhân quan trọng khác gây thiếu hụt iốt là nhu cầu sử dụng muối của người dân thành phố có nhiều thay đổi, chuyển từ muối iốt sang các loại bột canh hay hạt nêm.

"Các loại muối bột canh, hạt nêm này đều có chứa iốt song thực tế thì hàm lượng, giá trị vi chất dinh dưỡng trong sản phẩm chế biến đã giảm đáng kể", tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết.

Tại Hà Nội, độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh rất thấp 25,6%, trong khi tỷ lệ sử dụng các chế phẩm có iốt (muối, nước mắm) là gần 84%.

Các chuyên gia cảnh báo, thiếu iốt sẽ gây nên tình trạng chậm phát triển trí tuệ, bướu cổ, với phụ mang thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu…

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *