Ảnh minh họa

Được sinh ra và trưởng thành từ một gia đình nhà giáo nên cô Biện Thị Bích Liễu đã sớm hình thành mơ ước nghề dạy học. Một may mắn của cô Bích Liễu là sau 2 năm đi dạy học môn Toán tại trường THCS Bình Phước (1981 – 1983), cô được cử thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, sau đó cô lại được chọn đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tổ chức tại huyện Vũng Liêm. Sự chăm chút, hỗ trợ, góp ý của lãnh đạo trường, lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện làm cho cô nặng lòng đến giờ này vì đợt thi đó không mang lại kết quả mong muốn như sự mong đợi của mọi người.

Bốn năm công tác tại xã Bình Phước, cô Bích Liễu chuyển về trường THCS Lê Quí Đôn. Về công tác tại một trường cấp 2 danh giá của tỉnh nên cô luôn tự nhủ phải cố gắng để đạt kết quả tốt trong kì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 1995, cô đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cơ sở và cũng đạt luôn danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Từ đó đến nay, sự phấn đấu, nỗ lực đóng góp của cô Bích Liễu được minh chứng qua 10 Bằng khen của UBND tỉnh và 04 Giấy khen của Sở Giáo dục – Đào tạo, của UBND Thành phố Vĩnh Long.

Để nâng cao tay nghề, cô thường xuyên dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn do Phòng, Sở tổ chức. Là khối trưởng khối 8 và đã từng làm Trưởng ban nữ công cô Liễu cũng tất bật với công việc. Nào là công việc trường, công việc nhà, lo cho chồng và 2 con nhưng cô vẫn hoàn thành theo những quy trình, lập trình thời gian đã tính toán. Danh hiệu Công đoàn viên xuất sắc đã gắn với cô từ năm 2002 đến 2008.

Sáng kiến “Phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh trong việc giải bài toán hình học” đã giúp cô luôn thành công trong việc nâng chất lượng môn toán cho học sinh lớp 9 thi tốt nghiệp. Để sáng kiến này thành công cô đã tìm hiểu từng đối tượng học sinh để có cách dạy phù hợp. Đó cũng chính là cá thể hóa dạy học – dạy học cá nhân đang dần phá vỡ cách dạy bình quân, đọc – chép vốn có từ bấy lâu nay. Từ những công việc, thao tác, hình ảnh “hơi trừu tượng” đã được cô tìm cách minh họa cụ thể bằng nhiều đồ dùng dạy học như “hàm số bậc nhất”, “hệ phương trình bậc nhất hai ẩn số”, “sơ đồ tứ giác”… Học sinh đã say mê học toán với cô Liễu và nó đã giúp nhiều em học yếu, trung bình môn Toán vươn lên một bậc sau một học kỳ hoặc một năm học.

Như vậy, sau 5 năm nhận huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, năm 2009, vào dịp 20/11, cô Liễu lại vinh dự nhận danh hiệu Viên phấn vàng sẽ làm cho gia đình nhà giáo – thầy Biện Công Nhã – vui thêm, đong đầy thành tích cho nghề dạy học đáng quý. Chồng cô Bích Liễu, Thầy Lê Thanh Liêm cũng là giáo viên dạy Toán cùng trường nên đã tạo ra sự hỗ trợ, tương tác trong soạn, giảng hay trao đổi về các biện pháp giáo dục học sinh. Nhiều lần, cô Liễu là giáo viên dạy minh họa trong các đợt thay sách ở bậc THCS. Mới gần đây, cô Liễu lại lên tiết hội giảng bằng giáo án điện tử “Tam giác đồng vuông đồng dạng”.

Chúc gia đình cô Biện Thị Bích Liễu và thầy Lê Thanh Liêm luôn tìm ra nhiều cách dạy hay, hiệu quả để cùng với đồng nghiệp trường THCS Lê Quí Đôn luôn giữ vững được danh thơm, là điểm sáng của giáo dục Thành phố Vĩnh Long. Đối với trường hợp cô Đỗ Thị Kim Loan – một nữ nhà giáo ưu tú, cô Biện Thị Bích Liễu – một viên phấn vàng, việc phấn đấu để có thể đạt được các danh hiệu này còn là tấm gương đảm đang, tháo vát, vừa giỏi việc trường, lại đảm việc nhà, xứng đáng với truyền thống quý báu từ ngàn đời nay của phụ nữ Việt Nam.

An Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *