Bữa ăn gia đình Việt Nam mang ý nghĩa văn hóa to lớn, được hiểu như một lối sống đầy tình cảm tập thể. Bữa ăn không đơn thuần là để duy trì cuộc sống, để có sức lao động, mà bữa ăn người Việt được đánh giá như là sự họp mặt thú vị và đầm ấm. Ở đó, có những câu chuyện thú vị về đời sống, có các cuộc gặp gỡ bạn bè, có tình cảm của người phụ nữ dành cho gia đình…
Ca dao Việt Nam có câu :
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Những món ăn trong bữa ăn gia đình thường không cầu kỳ nhưng gợi nhớ cho mỗi thành viên cái không khí yêu thương, chăm sóc của mẹ cha, cái thân thương của anh chị em khi chia nhau miếng rau, con cá. Những kỷ niệm của bữa cơm chung còn gợi nhớ đến gia đình đầm ấm gắn liền với tuổi thơ của mỗi người, ở đó có người mẹ, người chị và hương vị chén nước chấm bên mớ rau đồng mang một khẩu vị đặc trưng.
Khi một cá nhân trưởng thành, trong vòng quay của cuộc sống bận rộn, những bữa ăn vội nơi hàng quán hay những bữa tiệc sang trọng cũng không thể làm phai mờ hình ảnh thân thương của bữa cơm gia đình trong lòng mỗi con người. Bữa cơm cho ta nhiều hơn hương vị của tình thương yêu. Khi là chiếc bàn tròn, khi thì bộ ván ngựa… mỗi nơi là một không gian để các thành viên cảm nhận sự ấm áp trong tổ ấm của mình.
Con người khi được thương yêu, quan tâm thì dù đi đâu cũng không thể quên được cội nguồn. Bữa cơm gia đình đã trở thành sợi dây vô hình gắn kết tất cả những thành viên. Ăn bữa cơm, mỗi người được thỏa mãn nhu cầu vật chất, đồng thời giáo dục cho mỗi thành viên biết nhường nhịn, chăm sóc lẫn nhau, biết kính trên nhường dưới, ý thức về sự san sẻ hạnh phúc hay khổ đau giữa những thành viên trong gia đình…
Bữa cơm chung đóng vai trò quan trọng trong văn hóa gia đình người Việt. Nó nuôi lớn tâm hồn của mỗi con người trong xã hội hiện đại. Dù cho bất cứ ai có ngược xuôi trên khắp nẻo đường đời thì vẫn không thể nào quên được hương vị của bữa cơm gia đình – một nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam.
Thu Trang