Lăng mộ của vua chúa ở khắp nơi trên trái đất ẩn chứa nhiều giá trị về lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, hội hoạ và cả văn bản (chữ viết)… Chúng cũng ghi dấu ấn của các nghi lễ tôn giáo và cách bảo quản tử thi, khi những người cai trị đầu tiên được tôn thờ như thần thánh. Đặc điểm chung của lăng tẩm và các trung tâm tế tự thời tiền sử là chúng được xây cất rất xa hoa, khẳng định cuộc sống sau khi chết của hoàng tộc.

Châu Phi: Kim tự tháp – con đường đưa các pharaon đến với thần Mặt trời

Các pharaon Ai Cập đầu tiên, thuộc hai triều đại đầu (từ khoảng năm 3.100 – 2.686 trước Công nguyên) được chôn cất trong các hầm mộ Mastaba (xây bằng cấu trúc gạch khổng lồ). Nhìn vào hình vẽ, ngăn bên trái để một bức tượng của người chết, gọi là phòng Serdab. Ngăn bên phải là gian thờ cúng với các lễ vật đặt trên một chiếc bàn. Một quan tài bằng đá chứa thi hài được đặt ở tầng ngầm. Người ta cứ chồng mãi các Mastaba của vua chúa lên nền mộ của tiên vương, dần dà thành Kim tự tháp. Người Ai Cập cổ tin vào cuộc sống sau cái chết và họ xức dầu các xác chết, hoặc ướp xác như một cách để hỗ trợ cho linh hồn bất diệt.

Ban đầu, chỉ có các pharaon được ướp xác, nhưng từ những năm 2.300, gia đình nào có khả năng cũng được phép áp dụng. Những kim tự tháp đầu tiên có các bậc thềm, để tưởng tượng rằng các pharaon trèo lên, đi về phía thần Mặt Trời.

Mộ Mastaba của người Ai Cập

 

Sách “History of the world” (NXB Dorling Kindersley) cũng viết, từ triều đại thứ III của các pharaon (khoảng 2.613 trước Công nguyên), đã xuất hiện những công trình lăng mộ hình tháp nhiều bậc, gọi là Pyramid (kim tự tháp). Vào khoảng 1.353 trước Công nguyên, Amenhotep IV lên ngôi pharaon. Ông đã quyết định thờ thần Mặt Trời thay cho việc thờ các tiền vương như các vị thần. Đây có thể xem là cố gắng đầu tiên đề ra một tôn giáo thờ một đấng toàn năng, thay cho tín ngưỡng đa thần. Sau khi Amenhotep IV băng hà (khoảng năm 1.335 trước Công nguyên), tục thờ cúng nhiều thần lại được tiếp tục.

Châu Á: Vua chúa được an táng cùng những người tháp tùng

Sách “History of the world” cho biết, vào thời nhà Thương (khoảng 1.750 – 1.100 trước Công nguyên, thời đại đồ Đồng), các nguyên liệu gỗ, gạch… xuất hiện đã được dùng vào các đền thờ. Sách còn cho biết, người Thương thờ tổ tiên của hoàng tộc như các vị thần.

Lăng mộ của các vua nhà Thương khai quật được cho thấy những vật tế thần, cả xe ngựa (cùng với ngựa), người đánh xe, người hầu và những người bị chặt đầu (bằng rìu đồng) trong lễ bái. Tất cả hẳn đã trải qua tế lễ sau khi vua băng hà, để tháp tùng vua sang thế giới bên kia.

Triều đại trước nhà Thương là nhà Hạ thì chưa xác định được rõ có đền thờ các vị vua cũng như các nghi lễ tương ứng hay không. Nhà Hạ và nhà Thương có hai ông vua cuối cùng, lần lượt là vua Kiệt (Hạ) và vua Trụ (Thương) được người Việt biết đến như hai bạo chúa xuất hiện sớm trong sử sách Trung Hoa. Có phải vì thế mà nhu cầu thờ cúng các vua của hai triều đại này (cùng với lý do “đa sắc tộc” của các vị vua chúa từng “hùng cứ” ở Trung Hoa) đã không tiếp tục trong suốt thời kỳ quân chủ ở nước này? Trong khi đó ở Việt Nam, đền thờ các vua Hùng “có công dựng nước” được dựng ngay sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, khẳng định chủ quyền đầy đủ của nước Đại Cồ Việt.

Mô hình kim tự tháp như gợi ý sự “về trời” của các “thiên tử” cũng thấy được ở một số kim tự tháp đỉnh phẳng ở Trung Quốc. Tần Thuỷ Hoàng (221 trước Công nguyên) được chôn cùng với các tượng binh sĩ bằng đất nung bên dưới một kim tự tháp lớn gần Xi’an ngày nay. Sau đó, hơn mười vị vua nhà Hán cũng được chôn cất bên dưới các công trình xây dựng hình kim tự tháp bằng đất.

Châu Âu: Hầm mộ là những… bảo tàng nghệ thuật

Ở chây Âu, các lăng mộ cổ đại được biết đến là những hầm mộ ở Carnac, Pháp (khoảng 4.000 năm trước Công nguyên); ở Losmillares, Tây Ban Nha (khoảng 3300 năm trước Công nguyên); ở Newgrange, Ireland (3.200 trước Công nguyên); ở Đan Mạch (có các ngôi mộ Jordhoi, niên đại khoảng 3.350 năm trước Công nguyên)… Nhưng chúng chưa cho thấy sự khác biệt của việc khâm liệm bậc vua chúa với dân thường.

Phù điêu bằng ngà gắn trên giường ngủ trong hầm mộ Alexander IV

Khảo cổ mới chỉ giúp ta tìm đến một khu nghĩa trang hoàng gia ở tại Vergina, miền Bắc Hy Lạp hiện nay, được gọi là “Great tumulus” (toạ lạc ở thành phố cổ Aigai, thủ đô cổ xưa của Vương quốc Macedonia). Hiện đã có hai lăng tẩm trong khu lăng mộ này xác định được danh tính. Một là lăng vua Philip II (Philippos II xứ Macedonia, 382 – 336 trước Công nguyên). Hai là lăng mộ thuộc về con trai của Alexander Đại đế (Alexandros III xứ Macedonia), tức Hoàng đế “trẻ” Alexander IV (Alexandros Aegus 323 – 309 trước Công nguyên).

Nếu các Kim tự tháp và lăng mộ vua đời nhà Thương được xây vào thời ứng với đầu thời đại Hồng Bàng, thì khu lăng mộ của các Hoàng đế Macedonia xây vào khoảng cuối thời các vua Hùng, vài thế kỷ trước Công nguyên.

Tranh khắc bằng cẩm thạch trên ngai vua

 

Lăng của vua Philip II, kích thước 9,5 х 5,5m, chiều cao 6m nổi bật vì kiến trúc xa hoa, lộng lẫy, với một phòng chầu và phòng chứa quách đựng hài cốt của vua, với bình bằng vàng chứa tro, xương. Bên cạnh lăng của vua Philip II là một điện thờ với rương đựng đồ thánh lễ. Các vật liệu xây dựng, trang trí đáng lưu ý có vàng, bạc, thuỷ tinh, đá cẩm thạch, ngà voi, gỗ quý và vải được dệt ở trình độ cao.

Theo đánh giá của chuyên gia, các tranh tượng, phù điêu trang trí, chạm khắc trong khu mộ, đặc biệt là lăng vua Philip đã đạt trình độ toàn mỹ về hội hoạ. Một số trong chúng tả cảnh ân ái có phần thô bạo của thần linh (tranh thần Pluton cưỡng bức nữ thần Persephone), cảnh các thiên thần như Dionysos cùng với một người thổi sáo và một thần rừng, cảnh sinh hoạt thông thường của hoàng gia… Các vòng hoa đội đầu, khoác cổ bằng gỗ sồi cũng đạt trình độ cao về điêu khắc.

Các đồ dùng được chôn theo vua và thành viên hoàng gia trong khu mộ gồm ngai vua, áo giáp, các vũ khí cổ bằng sắt và đồng, các trang phục dành cho dạ hội và đi tắm, vương miện, các đồ dùng cá nhân khác như chén bát bằng vàng bạc và thuỷ tinh, đồ gỗ như giường, rương hòm …

Sự diệt vong của các vương quốc cổ ở châu Âu, như Hy Lạp, La Mã… có thể đã khiến các nghi lễ tế tự các bậc tiền vương thời cổ đại không còn được tiếp tục về sau.

Các di vật tại các nơi chôn cất và tế tự thời cổ đại cho thấy, người xưa có thể đã tiến hành các nghi lễ thờ cúng tiên vương, ít nhất, bằng hai cách tiếp cận. Một là diễn lại các công tích của họ trong lãnh đạo chiến trận, mùa màng, săn bắn, trong thiết triều và cả trong quan hệ với thế giới siêu nhiên, theo cách mà thần dân tưởng tượng được. Hai là các sinh hoạt “riêng tư” hơn, như ăn uống, vui chơi, hành lạc của đấng quân vương được thần thánh hoá.

Theo bee

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *