Lễ Ok Ombok là một trong những lễ nông nghiệp rất tiêu biểu và đặc thù của người Khmer. Lễ được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Kađek – 15/10 âm lịch – nhằm tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, vốn được người Khmer coi là một vị thần bảo hộ mùa màng (1). Đặc biệt, trong số các lễ vật dâng cúng có cốm dẹp (ombok) và có nghi thức đút cốm dẹp cho trẻ con trong gia đình nên theo dân gian, lễ được gọi là “Ok Ombok”, tức là lễ “đút cốm dẹp”. Thời điểm tổ chức lễ Ok Ombok là lúc giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô và cũng là lúc chuẩn bị cho mùa thu hoạch (các giống lúa mùa theo nông nghiệp cổ truyền của người Khmer). Lễ Ok Ombok vì vậy mà cũng mang ý nghĩa tống tiễn mùa mưa, tiếp đón mùa khô sắp đến, báo hiệu cho việc thu hoạch. Lễ được thực hiện với nhiều hoạt động vui chơi có tính cộng đồng như đua ghe ngo, thả đèn…
Ở vùng ĐBSCL, nhất là ở Sóc Trăng, Kiên Giang, vào ngày tiến hành lễ, trước khi làm lễ “chào mặt trăng” vào tối đêm trăng rằm tháng 10 âm lịch thì sáng hôm đó hoặc sáng ngày hôm sau, nhiều phum sóc trong một khu vực tập trung lại trên sông để chuẩn bị đua ghe ngo. Ghe ngo của người Khmer là một loại thuyền độc mộc, làm bằng gỗ sao, dài tới 10 thước hoặc hơn nữa. Mũi ghe được chạm đầu rồng, đầu niek (nagar) hay đầu lân… và được sơn màu thật sặc sỡ, với nhiều hình trang trí như hình voi, sư tử, ó biển… Ghe ngo là tài sản chung của phum, được giữ tại chùa, có khi một phum có đến vài chiếc ghe ngo. Trong các cuộc tranh tài, mỗi ghe có từ 20 – 40 tay chèo, ngồi xếp thành hai hàng, có một người chỉ huy đứng trước mũi ghe, tay cầm một cây dầm và một người đánh cồng để thôi thúc các tay chèo. Người chỉ huy vừa múa dầm vừa hò hét ra lệnh cho đội tăng tốc một cách nhịp nhàng, không bị lật úp… Đua ghe ngo đối với người Khmer vừa là một sinh hoạt có ý nghĩa tôn giáo, vừa là một hoạt động thể thao. Để đạt được chiến thắng, mỗi đội đua phải luyện tập để các tay chèo phối hợp thật ăn ý, động tác thật thuần thục. Thường thì trước khi đưa ghe xuống sông để luyện tập, các tay chèo là những trai tráng khỏe mạnh, phải tập “bơi trên cạn” trong tiếng cồng thôi thúc như thực sự bước vào cuộc đua dưới sự chỉ huy của người đội trưởng vốn có nhiều kinh nghiệm.
Hoạt động thể thao này thu hút đông đảo nhân dân trong vùng, không chỉ có người Khmer, mà cả người Việt, người Hoa; không phải chỉ có nhân dân của những phum có đội đua đến cổ vũ cho đội nhà, mà nhân dân khắp các phum sóc Khmer đều đến để xem cuộc tranh tài… Người ta đứng chật trên hai bờ sông, trên các con thuyền đậu nép hai bờ sông để theo dõi. Suốt đoạn sông hàng cây số, người xem đứng chật ních. Họ reo hò, tung mũ nón cổ vũ cho các cuộc bứt phá, nhất là vào những phút quyết định, khi sắp về đích.
Về nghi thức ngày lễ thì vào đêm trăng rằm (tháng 10 âm lịch), tại các phum sóc người Khmer, mọi người tập trung đến sân chùa hoặc một số gia đình tụ họp trước sân nhà của một người thân để chờ trăng lên và làm lễ “chào mặt trăng”. Để chuẩn bị lễ, người ta đào hai lỗ để cắm hai trụ bằng cây trúc hoặc tre, hoặc bằng hai cây mía, trên đó có cột một cây ngang hoặc chỉ cần cột câu hai ngọn của hai trụ lại với nhau để làm thành hình một cái cổng. Trên cổng có gắn hoa lá để trang trí. Ngay bên dưới cổng này có đặt một cái bàn, trên đó bày nhang đèn, lễ vật. Lễ vật cúng gồm các loại khoai (như khoai lang, khoai mỳ, khoai môn), các loại trái cây (gồm dừa, chuối, bưởi… ), các loại bánh kẹo và đặc biệt là cốm dẹp. Mọi người ngồi tề tựu trên một chiếc chiếu, chờ cho trăng lên, trong khi trẻ con bày các trò chơi để được chia phần quà bánh hoặc chúng đang ngồi chung quanh ông bà để được nghe kể chuyện cổ tích. Vào dịp này, những người lớn tuổi thường kể cho con cháu nghe về một tiền kiếp của Đức Phật đã hóa thân thành một con thỏ để tế sinh và chỉ cho chúng thấy nay hình thỏ vẫn còn in dấu trên mặt trăng (2). Khi trăng lên cao, tỏa sáng, người ta thắp nhang đèn lên trên cổng và mời một người lớn tuổi nhất làm chủ lễ đến khấn vái, cảm ơn mặt trăng đã giúp cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, lúa đang chín khắp đồng. Ông cũng cầu xin mặt trăng phù hộ cho gia đình, phum sóc được khỏe mạnh và xin tiếp nhận các lễ vật. Trước đây, căn cứ vào những giọt sáp rơi trên lá chuối được đặt bên dưới, người ta có thể suy đoán mùa màng tới mưa nhiều hay ít.
Khi nhang vừa tàn cũng là xong lễ, người ta dọn lễ vật xuống, trẻ con được gọi lại cho ngồi xếp bằng thành hàng và người chủ lễ bốc từng nhúm cốm dẹp cùng với một trái chuối, hoặc ông ta lấy một trái chuối, lột vỏ, chấm vào cốm dẹp rồi đút cho từng đứa. Ông cố đút cho đầy miệng đứa bé trong khi tay kia vừa vỗ vào lưng chúng vừa hỏi chúng muốn gì. Mọi người khuyến khích đứa bé nói lên những ước muốn của nó. Căn cứ vào điều ước muốn đó, người ta đoán trước mùa màng năm tới có được tốt hay không. Các gia đình góp thêm thức ăn, để mọi người cùng nhau ăn uống, chuyện vãn cho đến tận khuya. Cuối cùng, mỗi gia đình có thể thả một bè chuối có gắn đèn (loi pratip) với đầy đủ lễ vật xuống sông hay kênh rạch cho trôi theo dòng nước.
TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long
——————————-
(1) Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết
(2) Nguyễn Xuân Nghĩa, TLđd