Tiếp tục chương trình phiên họp, chiều 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thống nhất nhiều nội dung của dự án Luật quản lý ngoại thương
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo về một số vấn đề lớn về dự án Luật Quản lý ngoại thương của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế có quan điểm do tính chất đặc thù của dịch vụ, việc xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ được thực hiện thông qua 2 phương thức: Cung cấp qua biên giới, trong đó nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ không gặp nhau; tiêu dùng ngoài lãnh thổ, trong đó người sử dụng dịch vụ phải đi ra nước ngoài để tiếp cận dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ.
Hiện nay, Việt Nam và nhiều nước khác sử dụng các biện pháp sau biên giới để quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ và các biện pháp này đều được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh bao gồm giải quyết tranh chấp trong các hoạt động ngoại thương hàng hóa là rất rộng, chỉ quy định việc giải quyết tranh chấp về biện pháp quản lý ngoại thương, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định giải quyết tranh chấp về áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương tại Điều 1, đồng thời chỉnh lý tên Chương VII tương ứng phù hợp với tranh chấp phát sinh thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Đối với quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương (Điều 7), đa số ý kiến đề nghị quy định về thẩm quyền của Bộ Công Thương theo hướng minh bạch, có cơ chế kiểm soát, giám sát; rà soát quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương để đảm bảo không trái với quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của bộ, không trái với quy định của Luật Thương mại.
Điều 7 của dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương; quy định trách nhiệm của các bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền; làm rõ việc phân cấp cho chính quyền địa phương liên quan đến một số lĩnh vực như quy định về cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới (Điều 55), về phát triển ngoại thương (Chương VI).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát để đảm bảo sự phù hợp, tương thích của các quy định trong dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp buổi chiều là về phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại (Điều 108) và thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài (Điều 109).
Đối với vấn đề này, các đại biểu Quốc hội có 2 loại ý kiến; loại ý kiến thứ nhất cho rằng không quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật; loại ý kiến thứ hai thấy rằng cần thiết quy định về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài như trong dự thảo Luật.
Quan điểm của cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo Luật, bởi hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc thành lập và hoạt động của các tổ chức này; đồng thời đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn cũng cho thấy tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài bước đầu đóng góp cho sự phát triển hoạt động ngoại thương.
Qua thảo luận, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ở thời điểm hiện tại chưa nên quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, nên tiếp tục phát huy các hoạt động xúc tiến thương mại như hiện tại, đồng thời cần có tổng kết đầy đủ để đưa ra các đánh giá cụ thể.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là luật quản lý nhà nước, nếu đưa nội dung này vào rất phức tạp…
Cho ý kiến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trình bày Báo cáo một số vấn lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ̉ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ về quan điểm xây dựng dự án Luật nên thiết kế theo luật khung hay luật chi tiết.
Tiếp thu ý kiến này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết dự án Luật được thiết kế theo hướng kết hợp cả luật khung và luật chi tiết.
Đối với những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa mà các luật khác đã có quy định thì chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục bổ sung và làm rõ hơn một số quy định về nội dung đặc thù, có trọng tâm cho đối tượng ưu tiên hỗ trợ như về khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Về tính khả thi, tính kịp thời của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật chỉ đưa vào những nội dung phù hợp có tính ổn định đã được tổng kết thực tiễn.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đã yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật phải hoàn tất toàn bộ các văn bản mà dự thảo Luật giao Chính phủ quy định, gồm 11 nội dung hỗ trợ và 3 Chương trình trọng tâm trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết nhưng phải đảm bảo tính khả thi.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc, mặc dù dự thảo Luật đưa ra rất nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng không rõ có khả thi hay không.
Đánh giá tính thống nhất với hệ thống luật pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn khi dự thảo Luật quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để cho doanh nghiệp vay, quy định này không đúng với Luật ngân sách nhà nước hay những quy định về thuế đối với doanh nghiệp trong dự thảo Luật sẽ phá vỡ hệ thống chính sách, pháp luật về thuế.
Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát lại nhằm bảo đảm tính khả thi, tính cụ thể của dự án Luật. Luật hỗ trợ phải quy định có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào doanh nghiệp có xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về ngân sách, thuế và đất đai./.
Nguồn: QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)