Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2016 của Ủy ban ATGT quốc gia tại Trụ sở Chính phủ, sáng 4/1.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2016 của Ủy ban ATGT quốc gia. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

 

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2016 cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người, chỉ giảm gần 1/10 số người chết (0,49%) so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là giảm 5%.

Năm 2016 có 40 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT và vẫn có 20 địa phương số người chết vì TNGT tăng so với năm 2015. 

Theo ông Hùng, tỉ lệ TNGT liên quan đến ô tô có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tỉ lệ TNGT do lái xe gây nên chiếm 27,07% số vụ TNGT đường bộ, trong khi số ô tô chỉ chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới. Tỉ lệ TNGT do người điều khiển vi phạm phần đường, làn đường vẫn còn ở mức cao, trên 25%. Tình hình trật tự ATGT trên các tuyến đường cao tốc vẫn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân của những tồn tại trên được ông Hùng chỉ ra là do một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; một số thời điểm còn xuất hiện tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước về ATGT. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền một số cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương chưa đi vào thực chất.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện căn bản, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm. Hiệu lực và chất lượng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa duy trì thường xuyên, liên tục; còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định, như vụ tiêu cực tại Thanh tra GTVT Cần Thơ, Hà Tĩnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban ATGT các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2016, trong đó đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 13 địa phương giảm trên 10% số người chết là Tây Ninh, Tuyên Quang, Trà Vinh, Lai Châu, Bắc Giang, Long An, Bạc Liêu, Gia Lai, Yên Bái, Quảng Trị, An Giang, Lào Cai, Đắk Nông. Đặc biệt, Tây Ninh, Tuyên Quang, Trà Vinh, Lai Châu giảm trên 20% số người chết do TNGT.

TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, trọng tâm là tập trung thực hiện chủ đề năm ATGT 2016 là “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong năm 2016 vẫn còn 20 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 9 tỉnh tăng trên 10% là: Quảng Ngãi, Hòa Bình, Cao Bằng, TPHCM, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau. Điều đó cho thấy tính bền vững trong công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn là một thách thức lớn. Do vậy, cần có sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông.

Vẫn còn xảy một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, phương tiện thủy nội địa gây bức xúc trong dư luận; chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ; xảy ra 1 sự cố uy hiếp an toàn hàng không.

Công tác bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến đường cao tốc tuy đã được tăng cường, song vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng người dân phá rào, vượt hộ lan để kinh doanh trái phép… tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT. Còn để xảy ra tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hiện tượng bảo kê uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh.

Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn diễn biến phức tạp trở lại, đặc biệt là khi xảy ra mưa ngập trong các khung giờ cao điểm…

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7%, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu giao thông, số lượng phương tiện, cũng như sự đa dạng về trình độ và văn hoá của người tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng cao, tạo nên thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 15/4/2016 về cải thiện an toàn đường bộ toàn cầu là đến năm 2020 số người thương vong do TNGT đường bộ giảm còn 50% so với năm 2010.

Trong tình hình này, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả  Năm ATGT 2017 với các nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục thực hiện Năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu nhi” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” để đạt các mục tiêu là giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm số người chết do TNGT năm 2017 xuống dưới 8.500 người.

Kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.

Trên cơ sở đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; gắn kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong bảo đảm trật tự ATGT năm 2017 là “thường xuyên, kịp thời, thực chất, dứt điểm”.

Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự ATGT, trong đó cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, xây dựng các quy định pháp luật về thống kê ATGT; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT, trong đó chú trọng các khâu như quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, tuần tra, kiểm soát.

Tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, trước tiên là xử lý triệt để các điểm đen về ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thuỷ.

Đặc biệt, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, kiên quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện…

“Xử lý nghiêm người vi phạm giao thông và người thực thi nhiệm vụ để không xảy ra tình trạng gọi điện cho người thân quen xin xỏ, hay dấm dúi chia đôi”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hoá giao thông tới mọi người dân. Đặc biệt, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội xây dựng chương trình cụ thể triển khai chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu nhi” để giảm thiểu TNGT liên quan đến thanh, thiếu nhi. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hoá nhường nhịn trong giao thông, không để tình trạng phương tiện giao thông lấn đường…

Phó Thủ tướng đề nghị, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM. Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; có giải pháp khẩn cấp xử lý các nút giao, đoạn đường thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông; khuyến khích sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

“Trước mắt, để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương triển khai nghiêm túc Công điện số 2239/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT dịp Tết cổ truyền và lễ hội xuân 2017. Đặc biệt là bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải, điều tiết, chống ùn tắc giao thông, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn: Lê Sơn ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *