Tại Diễn đàn “Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chính phủ muốn lắng nghe các ý kiến để tiếp tục đánh giá lại thể chế, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: VGP/Thành Chung
Nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
Diễn đàn “Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức tại Hà Nội sáng 26/12.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao định hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới và việc phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức diễn đàn này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp (DN) và bình đẳng giới.
Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2027” của Hội sẽ có nhiều thuận lợi khi năm 2016 đi vào lịch sử của đất nước với trên 110.000 DN thành lập mới, tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2015, trung bình mỗi DN có số vốn đăng ký hơn 8 tỷ đồng. Số lượng DN đã ngừng hoạt động nay trở lại hoạt động tăng trên 43%.
Cho rằng diễn đàn đề cập tới nội dung rất khó khi người phụ nữ vừa thực hiện thiên chức của mình, vừa vươn lên khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong bối cảnh nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Chính phủ mong muốn lắng nghe kết quả của Diễn đàn để đánh giá lại thể chế kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp của phụ nữ, nền nông nghiệp nói riêng”.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó sẽ xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, tập trung cho DN siêu nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng, lao động và các yếu tố đầu vào khác nếu không có hỗ trợ nhà nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, Chính phủ chỉ hỗ trợ DN chiến thắng chứ không hỗ trợ cho DN yếu kém.
Thứ hai, Chính phủ sẽ hỗ trợ DN khởi nghiệp, sáng tạo trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Thứ ba, Chính phủ có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành DN.
Ngoài việc hỗ trợ tư vấn truyền thông, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ sẽ ban hành 2 Nghị quyết về tạo nguồn vốn cho DN. Đối với DN khởi nghiệp, sáng tạo khó tiếp cận vốn ngân hàng, Chính phủ sẽ phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm và xây dựng thể chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm. Đối với các DN nhỏ và vừa, Chính phủ cũng quy định về bảo lãnh tín dụng ở các địa phương theo hướng bảo lãnh 100% vốn vay (hiện nay là bảo lãnh 75%) để hỗ trợ tốt nhất cho các DN có phương án kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn.
Đồng thời, Chính phủ cũng sửa đổi thể chế kinh tế để thu hút DN đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo động lực cho phụ nữ trong khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp; tập trung các hoạt động hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh.
Phụ nữ sẽ làm chủ 1/3 số DN cả nước
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực.
Trong sản xuất nông nghiệp, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nhiều công đoạn, góp phần đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 10 loại nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD/năm.
Đáng chú ý, trên 100.000 DN (chiếm trên 20% tổng số DN của cả nước) do nữ làm lãnh đạo đã tạo việc làm cho hơn 1,63 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước 32.400 tỷ đồng năm 2013 (chiếm khoảng 3,9% thu ngân sách nhà nước năm 2013), góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế đất nước.
Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu chỉ ra các DN nữ có ý thức, trách nhiệm xã hội tốt hơn, thu hút nhiều lao động nữ hơn, tham gia đóng bảo hiểm xã hội tốt hơn so với DN do nam làm chủ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết định hướng và hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh là một nội dung quan trọng trong hoạt động Hội. Để phát huy lợi thế và tiềm năng trong sản xuất kinh doanh của phụ nữ, Trung ương Hội đang xây dựng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2027” trình Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu tới năm 2020 sẽ có 35% số DN do phụ nữ làm chủ trong tổng số hơn 1 triệu DN của cả nước.