Nếu bạn có dịp đến tham quan Nhật Bản, bạn chắc chắn nghe đâu đó đến từ “onsen” – nghĩa là suối nước nóng trong tiếng Nhật. Trong một đất nước sở hữu nhiều ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, onsen trở nên khá phổ biến, từ đó trở thành một nhân tố quan trọng tạo nên tính độc đáo cho văn hóa xứ sở Phù Tang.

Suối nước nóng Yubatake lộ thiên lớn nhất Nhật Bản

Onsen là nơi mà người dân xứ sở hoa anh đào thường hay đến để thư giãn vì họ tin rằng nước nóng có tác dụng chữa lành cơ thể và trí não – đặc biệt với các cơn đau, vết thương

Kusatsu là một thị trấn nhỏ ở cao độ 1.200m với khoảng hơn 7.000 dân, được bao quanh bởi ba ngọn núi lửa là Shirane (2.160m), Tengu (1.385m) và Motoshirane (2.171m), thuộc tỉnh Gunma. Địa hình của thị trấn Kusatsu thấp hơn các đỉnh núi lửa đang âm ỉ hoạt động đã tạo nên lợi thế về nguồn nước khoáng nóng dồi dào, hình thành nên một thị trấn Onsen với hơn 200 điểm tắm nước khoáng nóng, thu hút trung bình 3 triệu lượt du khách hàng năm. Đặc biệt tại đây có suối nước nóng lộ thiên lớn nhất Nhật Bản là Yubatake, với lưu lượng trung bình 4.040 lít/phút.

Ngâm mình trong nước khoáng nóng được cho là có thể điều trị một số bệnh

Suối nước nóng tại Kusatsu vốn nổi tiếng là các địa điểm nghỉ dưỡng của các Samurai ngày xưa tại Nhật. Theo sử ghi chép thì vào thế kỷ 12, vị tướng quân đầu tiên của thời Mạc phủ Kamakura (1192 – 1333) là Minamoto Yoritomo trong lúc truy đuổi các chiến binh của dòng tộc Taira đã đến Kusatsu và tắm nước nóng tại Yubatake năm 1193. Phiến đá Ngự Tọa Thạch (Gozaishi) mà tướng quân Minamoto ngồi nay vẫn còn ở Yubatake.

Từ sau đó, đến thời kỳ Sengoku (1467 – 1603), nguồn nước khoáng nóng ở Kusatsu đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới võ sĩ đạo (Samurai). Kusatsu trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng để các võ sĩ dưỡng thương. Đến thời kỳ Edo (1603 – 1868), Kusatsu ngày càng phát triển mạnh khi nguồn nước khoáng nóng được phát hiện có khả năng chữa các chứng bệnh da liễu đang lây lan rất nhanh mà y học cổ truyền phải rất vất vả mới chế ngự được. Kể từ đó, suối khoáng nóng Kusatsu trở thành một địa danh nổi tiếng khắp Nhật Bản cho đến tận ngày nay.

Có hai cách để tắm khoáng nóng. Một là làm nguội bằng động tác tay….

Nguồn nước khoáng nóng ở thị trấn Kusatsu chứa các hoạt chất đậm tính axit, lưu huỳnh, nhôm sunfat và clorua, có khả năng điều trị tốt các chứng bệnh về da, ngoại thần kinh, chứng đau cơ khớp, làm tan các vết bầm tím, chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh phụ nữ, chứng cao huyết áp, xơ cứng động mạch… Nhiều cuộc thí nghiệm cho thấy khuẩn Ecoli – loài vi khuẩn ký sinh trong đường ruột, chỉ tồn tại chưa đến một phút trong nguồn nước khoáng nóng tự nhiên ở Kusatsu, và hầu hết các loài khuẩn và nấm khác cũng không thể sống trong môi trường này.

…và cách thứ hai là dẫn nước khoáng vào bể chứa rồi đợi cho nó nguội dần

Một điểm đặc biệt khác khiến Kusatsu nổi tiếng, đó chính là nhiệt độ của nguồn nước ở mức trung bình từ 51 – 94 độ C. Toàn thị trấn đều sử dụng nguồn nước nguyên chất từ tự nhiên chứ không qua công đoạn làm nóng, pha loãng hay điều chỉnh như các điểm Onsen khác. Vì nguồn nước quá nóng, người dân Kusatsu đã nghĩ ra hai phong cách Onsen khác biệt có từ thời kỳ Edo. Đó là cách dẫn nước nóng vào bể chứa để nguội dần gọi là Jikan-yu (tắm hẹn giờ). Cách thứ hai là làm nguội bằng tác động hay còn gọi là Yumomi (đập nước).

Trong quá trình làm nguội nước theo phong cách Yumomi, những bài dân ca, những điệu múa gắn liền với hoạt động Onsen đã ra đời, tồn tại từ thời kỳ Edo và lưu truyền đến ngày nay. 

Theo nuocnhat.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *