Tổ tiên loài người có thể đi lại bằng hai chân nhưng phần lớn vẫn sống trên cây
13/12/2016Đây có lẽ chính là quá trình đánh đổi giữa việc phát triển cơ bắp và kích thước não bộ trong quá trình tiến hóa của con người.
Tổ tiên của chúng ta "Lucy" đã dành ít nhất một phần ba cuộc đời của mình ở trên cây vào khoảng 3,18 triệu năm trước, theo một nghiên cứu mới có thể giúp giải thích quá trình giống loài chúng ta phát triển não bộ hơn cơ bắp như thế nào.
Lucy (thuộc loài Australopithecus afarensis) đã phát triển một hệ cơ bắp thuộc phần trên của cơ thể cực kì mạnh mẽ nhưng bên cạnh đó, nó cũng đã đi bằng hai chân. Đây là kết luận của một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí PLOS ONE.
"Lucy hoàn toàn có thể đi trên mặt đất giống với chúng ta bây giờ, nhưng số bước nhiều hơn", tác giả chính Christopher Ruff, một giáo sư giải phẫu chức năng và tiến hóa tại Đại học Y John Hopkins, nói rằng: "Điều này sẽ làm tốn nhiều năng lượng hơn và có thể giới hạn khả năng di chuyển đi xa trên mặt đất".
Vượn Lucy, "cụ bà" linh trưởng 3,2 triệu năm tuổi được coi là tổ tiên loài người.
Sử dụng máy chụp cắt lớp, giáo sư Ruff và nhóm của ông đã phân tích các cấu trúc bên trong xương cánh tay và xương đùi của Lucy. Những phần còn lại của Lucy được tìm thấy ở vùng Afar thuộc Ethiopia vào 42 năm trước, đã cho thấy một trong những bộ hóa thạch xương hoàn chỉnh nhất được tìm thấy của tổ tiên loài người đi thẳng bằng hai chân.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục so sánh các hình ảnh đã quét được của Lucy với hình ảnh quét của người thời kỳ đồ đá cũ và người hiện đại, đây là những người đã dành phần lớn thời gian để đi bằng hai chân trên mặt đất, và với loài linh trưởng dành phần lớn thời gian ở trên cây. Khi ở trên mặt đất, linh trưởng thường di chuyển với cả bốn chi.
Hai chi trên của Lucy thật sự được tôi luyện rất rắn chắc bởi chúng thường xuyên phải trèo cây, Ruff và các đồng nghiệp kết luận. Giống loài của chúng ta, một mặt có xu hướng phát triển các chi dưới, tuy nhiên tại thời điểm đó chúng cũng có phần cơ thể bên trên rất khỏe mạnh.
"Lucy sẽ trông không giống như những vận động viên hiện đại, mặc dù tỷ lệ sức mạnh của xương tay và xương chân của nó là gần giống như các vận động viên ngày nay", Ruff nói.
Có thể mô tả một ngày của Lucy sẽ diễn ra như sau:
"Giống như loài vượn châu Phi hiện đại, nó có xu hướng dành nhiều thời gian ở dưới mặt đất để tìm kiếm thức ăn, nghỉ ngơi và di chuyển nhưng chỉ ở khoảng cách ngắn", Ruff nói. "Một số loại thức ăn, bao gồm rất nhiều loại hoa quả, phải trèo cây mới có thể lấy được. Cây cối cũng là nơi sử dụng để ngủ, một lần nữa điều này cũng giống với loài vượn châu Phi hiện đại".
Cho đến ngày nay, chế độ ăn gồm nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ cây cối như các loại quả và hạt thường được giống loài chúng ta ưu tiên. Và nếu bạn cảm thấy thoải mái khi ở gần cây cối cũng như với những sản phẩm của tự nhiên này, điều đó cũng không lạ lẫm gì bởi lẽ tổ tiên của chúng ta, hay cụ thể là vượn Lucy đã dành rất nhiều thời gian trên những cành cây cao.
Mặc dù vậy, câu chuyện của Lucy lại không kết thúc có hậu. Nó không chết bởi tuổi già mà bởi thương tích sau khi bị ngã khỏi một cái cây. Vì vậy, rất có khả năng là tổ tiên của chúng ta đã có sự chuyển đổi từ vượn cây xuống mặt đất và rõ ràng đây là một giai đoạn khó khăn.
Những phần còn lại của Lucy.
Tuy nhiên, Ruff đã nhanh chóng chỉ ra rằng ngay cả đối với loài linh trưởng, được cho là loài thích nghi tốt với việc leo trèo cũng có khi bị ngã cây và dẫn đến tử vong. Ông nói thêm "nếu Lucy dành nhiều thời gian ở trên cây hơn cả, thì rõ ràng khả năng xảy ra việc này sẽ cao hơn là nó chỉ sống trên mặt đất".
Ông và một số nhà nhân chủng học nghi ngờ rằng một đợt khí hậu khô hạn khoảng 2,5 triệu năm trước ở châu Phi có thể đã dẫn đến việc thu hẹp các diện tích rừng, do đó làm tăng lợi ích của việc di chuyển trên mặt đất để qua lại các khu vực của tổ tiên chúng ta. Việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh thái và thậm chí là tổ chức xã hội cũng có thể là nguyên do của việc thế hệ sau của Lucy quyết định rời khỏi cây cối.
Đây có lẽ chính là quá trình đánh đổi giữa việc phát triển cơ bắp và kích thước não bộ trong quá trình tiến hóa của con người.
Ruff giải thích: "Não là một cơ quan đòi hiểu nhiều sự trao đổi chất. Các mô cơ cũng đòi hỏi cung cấp rất nhiều năng lượng để duy trì và phát triển. Lucy có cơ bắp khá lớn, sức mạnh từ xương lớn nhưng nó lại có bộ não nhỏ. Việc giảm khối lượng mô cơ trung bình sau này trong quá trình tiến hóa của con người có thể đã giải phóng các nguồn lực nhằm hướng đến một bộ não to hơn".
Theo Thời Đại