Mỗi năm khi mùa Giáng sinh về người ta thường hay trang hoàng nhà cửa bằng cây thông và những bông hoa tuyết lấp lánh. Bên cạnh đó một chiếc vòng nguyệt quế treo trước cửa cũng được xem là vật không thể thiếu. Vậy ý nghĩa của chiếc vòng nguyệt quế này là gì?
Nguồn gốc và ý nghĩa của vòng nguyệt quế
Kể từ thời cổ đại, vòng hoa đã được sử dụng như là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh. Ở Rome và Hy Lạp, các vị vua và hoàng đế thường đeo vòng hoa như vương miện bởi vì họ thường kết nối vòng nguyệt quế với thần Mặt trời Apollo và coi vương miện như vật tượng trưng cho quyền lực. Chiếc vòng đội đầu chuyển thành vòng treo cửa như thế nào, đến nay vẫn chưa biết chính xác. Tuy nhiên người ta tin rằng, có một vận động viên đã cài vòng nguyệt quế của mình lên cửa như một vật kỷ niệm chiến thắng.
Truyền thuyết thế kỷ XIII kể rằng, thánh St. Boniface người Đức đã đốn một cây sồi – biểu tượng của ngoại giáo – và từ chỗ đó mọc lên một cây thường xuân. Thánh tuyên bố thường xuân là biểu tượng hân hoan của người Công giáo về cuộc sống đời đời vì loài cây này xanh tươi quanh năm. Còn theo một thông tin khác thì nhiều nhà lịch sử học tin rằng những chiếc vòng nguyệt quế đầu tiên xuất hiện vào thời Đế chế Ba Tư, khi mà hoàng gia và những người thuộc tầng lớp quý tộc đeo những chiếc vòng nguyệt quế hay vòng đầu được trang trí thêm trang sức để biểu trương quyền lực và sự cao quý. Những nền văn hóa khác sau đó tiếp thu điều này và biến đổi để phù hợp với họ.
Vào khoảng 800 năm trước ngày sinh của Chúa, người Hy Lạp bắt đầu trao những chiếc vòng được làm từ nhành cây nguyệt quế cho người thắng cuộc.
Trong suốt thời đại La Mã, những người lãnh đạo chính trị và quân đội như là Julius Caesar, cũng đeo những chiếc vòng nguyệt quế trên đầu. Việc những chiếc vòng nguyệt quế ngày nay trở thành vật trang trí treo trên tường được xem là xuất phát từ việc khi những người này trở về nhà, họ treo những chiếc vòng nguyệt quế lên tường hay cửa như là chiến lợi phẩm.
Sau khi Chúa sinh ra đời, chiếc vòng nguyệt quế Giáng sinh làm từ nhánh cây trường xuân trở thành biểu tượng cho chiến thắng của sự sống qua suốt những tháng mùa đông. Vòng nguyệt quế không chỉ có công dụng là làm vật trang trí trên tường, nó còn được dùng để đếm thời gian khi còn 4 tuần nữa là đến Giáng sinh.
Mục đích sử dụng vòng nguyệt quế
Vòng nguyệt quế, hay còn gọi là vòng ô rô, được biết đến với mục đích phổ biến nhất là trang trí nhà cửa, đặc biệt vào dịp Giáng sinh. Song, ít người biết rằng vòng nguyệt quế còn là một biểu tượng trong nghi thức chào đón Giáng sinh tại các nhà thờ và gia đình theo đạo.
Nghi thức này có nguồn gốc từ Đức. Theo đó, vòng nguyệt quế được đặt nằm với 4 cây nến trắng dựng bên trên. Vào mỗi Chủ nhật kể từ tuần thứ 4 trước Giáng sinh, người ta sẽ thắp một cây nến trên vòng nguyệt quế.
Ngọn nến đầu tiên tượng trưng cho hy vọng. Ngọn nến thứ hai là tình yêu. Ngọn nến thứ ba tượng trưng cho niềm vui và ngọn nến thứ tư tượng trưng cho hòa bình.
Ngoài ra, có người còn thắp thêm một cây nến thứ năm màu trắng, đặt ở chính giữa vòng nguyệt quế vào đêm trước ngày Giáng Sinh. Ngọn nến này tượng trưng cho ngày Chúa sinh ra đời.
Nghi thức này không chỉ là cách người ta chờ đòn Giáng Sinh mà còn tượng trưng cho hy vọng về một tương lai tươi sáng, một mùa xuân ấm áp giữa hiện tại tăm tối, lạnh lẽo của mùa đông.
Chất liệu và hình dáng của vòng nguyệt quế
Vòng nguyệt quế nguyên thủy thường được làm từ nhánh cây thường xuân hoặc nguyệt quế, quả ô rô và những phụ kiện trang trí khác.
Những chiếc vòng nguyệt quế ở thời cổ đại được miêu tả với hình dáng móng ngựa. Tuy nhiên, những vòng nguyệt quế mà chúng ta thấy ngày nay đều có hình vòng tròn khép kín.
Càng về sau, vòng nguyêt quế càng được sáng tạo với nhiều chất liệu, màu sắc, kiểu dáng mới lạ và độc đáo hơn.
Vòng nguyệt quế trong thần thoại Hy Lạp
Trong thần thoại Hy Lạp, hình tượng thần Apollo luôn đội vòng nguyệt quế trên đầu. Ở thời Hy Lạp cổ đại, chiếc vòng nguyệt quế tượng trưng cho sức mạnh, sự chiến thắng.
Vòng nguyệt quế sẽ được trao cho những người chiến thắng trong những cuộc thi đấu thể thao và thi ca.
Ceasar đội vòng nguyệt quế vì bị hói
Vào thời đế chế La Mã, vòng nguyệt quế được những nhà lãnh đạo chính trị và quân đội mang trên đầu như một chiếc vương miện thể hiện quyền lực, địa vị xã hội cao quý của mình. Do đó, chúng ta vẫn thường hay thấy hình ảnh Julius Caesar gắn liền với chiếc vòng nguyệt quế trên đầu.
Cũng có nhiều nguồn thông tin hài hước cho rằng sở dĩ Caesar đội vòng nguyệt quế là để che giấu chiếc đầu bị hói của mình.
Theo TTVH