Thuận An là một trong những xã trồng màu lớn của huyện Bình Minh. Trước nay, nơi này nổi tiếng với rau xà lách xoong. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nơi đây lại được biết đến là vùng trồng rau diếp cá.
Anh Nguyễn Văn Hà thu hoạch rau diếp cá |
Hiện, có hàng trăm hộ dân đang canh tác loại rau này với diện tích khoảng 63 ha, tập trung nhiều nhất ở 3 ấp Thuận Phú A, Thuận Phú B và Thuận Phú C. Cây rau diếp cá trở thành cây xóa đói giảm nghèo, thậm chí là cây rau làm giàu của nhiều gia đình nơi đây.
Hơn 10 năm trước, nông dân Nguyễn Văn Hà đã từng nổi tiếng khắp đồng bằng với mô hình trồng rau diếp cá hiệu quả cao. Và anh Hà được xem là người trồng cây rau diếp cá đầu tiên trên vùng chuyên canh màu Thuận An – Bình Minh.
Đầu tiên, anh Hà thử trồng rau diếp cá với diện tích 0,5 ha trên phần đất vườn của gia đình. Về sau, anh nhận thấy, rau diếp cá thích hợp phát triển trên nền đất ruộng. Vì vậy, anh Hà chuyển sang canh tác trên 2 ha ruộng nhà. Vào thời điểm đó, rau diếp cá có giá chỉ hơn 1.000 đồng/kg, nhưng lợi nhuận thu lại rất cao. Tính ra, hàng năm, trên mỗi ha, anh Hà thu lãi trên 10 triệu đồng – gấp nhiều lần so với trồng lúa. Dần dần về sau, giá rau tăng lên, anh Hà tích lũy vốn, mua thêm ruộng đất và tiếp tục trồng rau diếp cá. Khi tăng diện tích trồng rau, anh Hà bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng đầu ra. Từ thị trường Cần Thơ, anh Hà chuyển sang tìm đầu mối ở TP. HCM.
Anh Hà cho biết, vốn đầu tư ban đầu cho mỗi ha rau diếp cá là khá lớn, khoảng từ 12 – 15 triệu đồng. Nếu không đầu tư hệ thống tưới phun, bà con không thể canh tác nhiều và hiệu quả không cao.
Kiên trì trồng rau diếp cá đến hôm nay, anh Hà phải trải qua nhiều thử thách, nhất là phải chịu lỗ vào những thời điểm nhất định. Chẳng hạn, trong năm, giá rau thường thấp vào tháng Giêng, tháng Hai và tháng Bảy âm lịch. Những thời điểm đó, có khi, anh Hà phải chịu lỗ tiền công lao động mỗi ngày. Tuy nhiên, do đặc thù của loại rau này là có thu hoạch thì mới có rau mới, vì vậy, việc chịu thiệt vài tháng trong năm, theo anh Hà là chuyện nên làm để rau phát triển liên tục, bình thường và duy trì bạn hàng tiêu thụ.
Từ thành công của gia đình anh Hà, trong thời gian qua, mô hình đã được nhân rộng trong toàn xã. Những hộ nghèo thiếu vốn sản xuất cũng được anh Hà giúp cây giống về trồng.
Theo nhiều bà con tính toán, nếu giá rau diếp cá trung bình ở vào khoảng 5.000 – 7.000 đồng thì bà con thu lãi khá cao. Tuy nhiên, bà con vẫn còn băn khoăn vì đầu ra của rau diếp cá chưa thật ổn định. Trong năm 2010 vừa qua, xã Thuận An đã thành lập tổ hợp tác trồng rau diếp cá với mong muốn hỗ trợ bà con tiến tới sản xuất rau an toàn, có thương hiệu.
Sự phát triển của một mô hình cần phải đi đôi với yếu tố bền vững. Ở mô hình trồng rau diếp cá của anh Hà, yếu tố bền vững trước tiên được anh Hà xác định là đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, trong thời hội nhập hiện nay, an toàn cho người tiêu dùng cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Trong bối cảnh sản xuất chung của địa phương, bản thân anh Hà cũng rất muốn sản phẩm của mình có thương hiệu, có tổ chức sản xuất theo hướng an toàn để đầu ra được đảm bảo ổn định. Bài toán này không mới nhưng nó luôn cần thiết cho tất cả mô hình sản xuất nông sản hiện nay.
Thúy Hằng