Chiều 19/11, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016" đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

 

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố quyết định thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016." 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là Trưởng Đoàn giám sát. 

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát cho biết mục đích của việc giám sát nhằm đánh giá kết quả quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; từ đó thấy được những kết quả và tồn tại, hạn chế để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những bất cập, hạn chế; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian tới. 

Việc giám sát góp phần đảm bảo thực hiện thắng lợi chương trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cho thấy đại biểu và cử tri cả nước quan tâm sâu sắc đến vấn đề cải cách bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ. 

Kết quả giám sát giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn toàn diện, tổng thể về cải cách hành chính trong thời gian qua, từ đó có giải pháp phù hợp, quyết liệt, rõ rệt về cải cách quy chế, tổ chức thực hiện nhằm xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước hiện đại, liêm chính, kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. 

Đồng thời, kết quả giám sát sẽ giúp cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới. 

Về phạm vi, đối tượng giám sát, các đại biểu và thành viên Đoàn giám sát thống nhất tập trung vào giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp nhất đến việc cải cách hành chính như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước (gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập) và biên chế công chức, viên chức. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết Đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.

Đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tập trung giám sát đối với tổ chức bộ máy các vụ, cục, tổng cục, văn phòng, thanh tra có chức năng tham mưu./. 

Nguồn: TTXVN/VIETNAM+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *