III. ĐẶC ĐIỂM VỀ TỔ CHỨC XÃ HỘI

Như trên đã trình bày, đơn vị cư trú truyền thống của người Khmer ở Vĩnh Long hiện còn tồn tại là phum. Phum của người Khmer ở Vĩnh Long không chỉ có những hộ có quan hệ thân thuộc, mà đã mở rộng rất nhiều. Có phum có khoảng 50 hộ, cũng có phum lớn đến hơn 200 hộ. Như vậy, phum – đơn vị cư trú của người Khmer Vĩnh Long – không phải là “phum nhỏ” với các thành viên là các hộ gia đình có quan hệ chủ yếu là quan hệ huyết thống như ở các nơi khác (1).

Một điều đáng chú ý là trong các phum còn có những nhóm nhỏ hộ gia đình tập trung trong một “xóm nhỏ” gọi là “đôm”. Mỗi đôm có từ 5 – 10 gia đình. Khảo sát các phum trong xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình), chúng ta thấy trong phum Kadal (ấp Giữa – Ấp Giữa có hai phum là phum Candal và phum Palei) có đôm Prơlei, đôm Candal; trong phum Prek Onson (ấp Kỳ Son – Ấp Kỳ Son có hai phum là phum Prek Onson và phum Prei Prek) có đôm Prek Rêp và đôm Prek Onson; phum Prek Suq (ấp Cần Súc) có đôm Prek Suq Ai (đôm Prek Suq ngắn), đôm Prek Suq Nê (đôm Prek Suq dài)… Quan hệ giữa các thành viên trong đôm chủ yếu là quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân và có lẽ nó tương đương với “phum nhỏ”. Hình thức “phum nhỏ” có thể còn tồn tại ở An Giang, Kiên Giang… Thành viên trong đôm thuộc các gia đình của các anh chị em và gia đình con trai, con gái của họ đã lập gia đình. Trong đó, số thành viên có quan hệ về phía mẹ là chủ yếu, nghĩa là số anh em trai và các con dâu ít hơn so với số chị em gái và các con rể.

Cũng cần lưu ý là trong người Khmer ở Vĩnh Long cũng như ở vùng ĐBSCL nói chung hiện nay vẫn còn tồn tại hình thức hôn nhân con cô con cậu (hôn nhân giữa các anh em họ chéo), hôn nhân con chú con bác (hôn nhân giữa các anh em họ song song). Cư trú sau hôn nhân thường là ở bên vợ và tùy theo điều kiện, sau đó, khi ra riêng ở, đôi vợ chồng mới có thể về phía nhà chồng nhưng trong đa số trường hợp thì họ ở lại phía vợ. Mặt khác, hôn nhân giữa người Việt và người Khmer cũng khá phổ biến, nhất là ở  phum Chơn (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm), phum Phnơi (xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm)…

Chính trong điều kiện cư trú trên giồng, đồng thời chịu sự chia cắt mạnh bởi hệ thống sông rạch mà sự phân bố cư trú của người Khmer trong tỉnh tạo thành từng cụm. Có thể thấy các “khu vực” tập trung người Khmer như cụm dân cư người Khmer ở Loan Mỹ (Tam Bình), cụm dân cư người Khmer ở thị trấn Vũng Liêm và vùng ven thị trấn này, cụm dân cư người Khmer ở xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn), cụm dân cư người Khmer ở xã Đông Thành, Đông Bình (huyện Bình Minh)… Ở mỗi cụm dân cư như vậy được hình thành bởi nhiều đơn vị cư trú truyền thống “phum” và ở một số nơi, mỗi cụm tương đương với một sóc (srok) như ở khu vực thị trấn Vũng Liêm và vùng ven lân cận được người Khmer gọi là “srok Compong Rolin”,  cụm dân cư ở Loan Mỹ trước đây được gọi là “srok Prek Suq” (sóc Rạch Sen, vì các phum ở dọc rạch có nhiều sen), phum Sowai và phum Wil thuộc xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn tạo thành “srok Srê” (sóc Ruộng)… Trong tiếng Khmer, “srok” tương đương với địa bàn một huyện. Tuy nhiên, bộ máy quản lý sóc cho đến nay còn chưa được tìm hiểu.

Do ảnh hưởng của Phật giáo, tổ chức xã hội truyền thống của người Khmer ở Vĩnh Long cũng như ở vùng ĐBSCL hết sức gắn bó với ngôi chùa. Sự gắn bó đó biểu hiện trước nhất là cách tổ chức người dân trong phum để cử hành các lễ tôn giáo, các lễ cộng đồng theo phong tục (cũng được tổ chức tại chùa) và dâng cúng thức ăn hàng ngày cho các sư sãi… Trong tỉnh Vĩnh Long có 13 ngôi chùa và như vậy có một số phum cùng có trách nhiệm với một ngôi chùa. Trong mỗi chùa có một Ban quản trị (Canăk camaka), được người dân bầu lên trong một cuộc họp trong các dịp lễ tổ chức tại chùa. Ban quản trị thường gồn từ 5 – 9 người, có nhiệm kỳ trong 3 năm và có nơi người ta còn tổ chức thêm một Ban cố vấn (Uôhđom rưksa) để giúp đỡ cho Ban quản trị. Nói chung, thành viên một Ban quản trị gồm :

– Trưởng ban hay Chủ tịch (Athiêp bahđay hay Prothiên)

– Phó Trưởng ban hay Phó Chủ tịch (Anuq Prothiên hay Anuq Athiêp bahđay)

– Thư ký (Akaq lêkha)

– Phó thư ký (Lêkha)

– Trưởng Achar (Prothiên Achar)

– Phó Achar (Achar)

– Cố vấn (Uôhđom rưksa), 1 – 3 vị tùy vào mỗi nơi.

TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

———————————

(1) Lâm Thanh Tòng, Một số đặc điểm cư trú của người Khmer ở Sóc Trăng, Tạp chí Dân tộc học số 4/1997, trang 34

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *