Chiều 5/10, Phiên họp thứ Tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV diễn ra với nội dung về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII. 

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa /TTXVN)

 

 

Một số bộ ngành chưa chú trọng đến việc xử lý, giải quyết các kiến nghị cử tri 

Theo báo cáo, từ kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Trong công tác lập pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật "khung," luật "ống."

Đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm đảm bảo luật đi vào cuộc sống. 

Trong hoạt động giám sát, Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã lựa chọn và tiến hành giám sát chuyên đề về một số lĩnh vực mà cử tri có nhiều kiến nghị. 

Nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế​-xã hội đã được Quốc hội xem xét, phân tích thẳng thắn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết tốt hơn những yêu cầu, kiến nghị của cử tri.

Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn 129 kiến nghị cử tri còn tồn đọng, đang được xem xét, nghiên cứu để giải quyết, tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: nông nghiệp, nông thôn; an sinh xã hội; y tế; giáo dục; văn hóa… thuộc thẩm quyền tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo cho biết, một số bộ, ngành tránh việc, để tồn đọng kiến nghị cử tri nên chỉ quan tâm đến việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng đến việc xử lý, giải quyết các kiến nghị cử tri, đặc biệt là việc phải ban hành mới, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật. 

Nhiều kiến nghị của cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, nhưng nội dung trả lời các kiến nghị này lại chưa thật sự rõ ràng, thiếu lộ trình cụ thể hoặc chỉ viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật đã cũ, không còn phù hợp nên không giải quyết được vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri.

Cần coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri làm tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ

Theo các đại biểu, kết luận giám sát đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết tốt hơn những yêu cầu kiến nghị của cử tri. 

Trong đó có tình trạng ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng ở một số bộ, ngành lại giao cho cấp phó trả lời là chưa thể hiện hết trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri và nhân dân cả nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cần coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri làm tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành khi lấy tín nhiệm trước Quốc hội. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết. 

Chính phủ cần nghiên cứu để có hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức thuộc các ngành, lĩnh vực trong trường hợp không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, để cử tri kiến nghị qua nhiều kỳ họp./.

Nguồn: TTXVN/VIETNAM+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *