Bên bờ hạnh phúc

Khi biết tin chị Bích Lan được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho bản dịch tiểu thuyết "Triệu phú khu ổ chuột", tôi thực sự xúc động. Từ lâu, tôi đã rất khâm phục tài năng và nghị lực sống phi thường của chị…

Dù mắc căn bệnh hiểm nghèo suốt 23 năm qua khiến chị không thể học hết lớp 8 phổ thông ở miền quê lúa Thái Bình, vậy mà chỉ nhờ tự mày mò học tiếng Anh mà đến nay chị đã dịch đến đầu sách thứ 23, trong đó có 21 cuốn đã xuất bản, 1 cuốn đang nằm chờ ở nhà in. Việc một dịch giả "tự do" vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, lại vừa đoạt giải thưởng của Hội hình như là việc chưa có tiền lệ. Bởi vậy, năm qua chị được trang web của Hội Nhà văn Việt Nam gọi là "Nhân vật ấn tượng nhất trong năm".

Gần một năm nay, chị Bích Lan và mẹ đã chuyển lên Hà Nội sống cùng gia đình người em trai. Lên Hà Nội vừa là điều kiện tốt để chị hòa nhập vào môi trường văn học sôi động của Thủ đô, cũng là để tiện chăm sóc cho sức khỏe vốn rất hạn chế của chị, đồng thời cũng tiện cho mẹ chị có điều kiện chăm sóc đứa cháu nội mới chào đời. Chỉ có điều, nhà ở tầng 5 của một khu tập thể cũ vốn không có cầu thang máy nên mỗi khi có việc phải đi đâu, là chị phải có người cõng lên, cõng xuống cầu thang. Bình thường, chị chỉ đi ra khỏi nhà khi có sự kiện văn học nào đó hoặc muốn đi xem triển lãm hay đi hiệu sách, nhưng bao giờ cũng phải có người nhà dìu đi. Bây giờ, người nhà của chị hầu như chẳng dám để chị ở nhà một mình, vì chị có thể ngã bất cứ lúc nào. Mà khi đã ngã xuống là chị không thể nào tự dậy được. Nhưng điều may mắn là, căn bệnh rối loạn dưỡng cơ của chị gây cứng các "gốc chi" nhưng đôi bàn tay vẫn cử động được, dù vẫn rất khó khăn. Chính nhờ đôi bàn tay gầy gò bé nhỏ ấy, chị đã làm được nhiều điều kỳ diệu: dịch sách, viết truyện ngắn, viết báo, làm thơ. Bích Lan chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc một tuyển tập truyện ngắn trong năm nay. Một số bài thơ của chị ngẫu nhiên được đưa vào các tuyển tập cũng khiến chị rất vui. Nhưng đam mê lớn nhất của chị vẫn là dịch thuật và chính niềm đam mê ấy đã là liều "thần dược" giúp chị vượt qua nỗi đau thể xác, chiến thắng số phận. Những việc chị làm được gần như đã vượt quá xa sức lực của một người mang bệnh hiểm nghèo.

Dịch giả Bích Lan (thứ hai từ phải qua) tại Lễ trao giải và kết nạp hội viên mới năm 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

Tết Tân Mão vừa rồi đối với Bích Lan như vui hơn bởi lễ trao Giải thưởng và kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra chỉ trước ngày chị cùng gia đình thu xếp về quê nhà (Hưng Hà – Thái Bình) ít hôm. "Niềm vui nhân đôi ấy" không chỉ khiến chị và những người thân trong gia đình chị cảm thấy hạnh phúc, mà niềm vui ấy còn lan đến cả những bạn đọc từng quen biết chị và biết về hoàn cảnh đặc biệt của chị. Thành công ấy tiếp tục khích lệ Bích Lan bước tiếp trên con đường chị đã lựa chọn, cho dù khi tâm sự với tôi, chị nói rằng mỗi lần dịch một cuốn sách, chị chỉ cầu trời cho mình dịch xong được cuốn này thôi, rồi muốn sao cũng được, chị sẽ thanh thản đón nhận mọi điều. Cuốn sách thứ 23 đang chuẩn bị "chào đời" đã được thực hiện từ mỗi khắc nỗ lực như thế. Chính tôi cũng không thể tin được người con gái bé nhỏ gầy gò cân nặng có chưa tới 30 kilôgam kia còn đang mang trong mình bệnh tim biến chứng từ bệnh rối loạn dưỡng cơ có thể làm được một khối lượng công việc khổng lồ như vậy. Được biết, khi trao hoa cho Bích Lan, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có hỏi: "Em có cầm được hoa không?". Chỉ riêng chi tiết này cũng đã khiến tôi rưng rưng nước mắt.

Bích Lan tâm sự, năm nay là lần đầu tiên chị nộp đơn xin vào Hội với sự động viên của nhiều người. Thật không ngờ, chị được kết nạp luôn với tỉ lệ đồng thuận cao của Ban chấp hành. Chị kể, hôm đi nhận giải thưởng, chị ngồi cạnh dịch giả Thúy Toàn và dịch giả tiếng Nga lão làng này đã rất vui mừng chia sẻ với thành công của chị. Chị còn nhớ cách đây 7 năm, khi biết về hoàn cảnh và những công việc chị làm được, dịch giả Thúy Toàn đã cất công về tận Thái Bình thăm hỏi, động viên chị. Bởi bằng chính kinh nghiệm của bản thân, ông biết rằng dịch thuật là một công việc cực nhọc và chỉ nhiệt huyết, niềm đam mê mới "nuôi" được nghề này chứ không phải là những đồng nhuận bút được trả trong điều kiện hạn hẹp như ở Việt Nam. Chị thấy vui, thấy say mê bởi mình đã có thể góp phần chuyển tải những thông điệp văn hóa của các nước đến với độc giả Việt Nam. Và đó cũng là cơ hội để chị khám phá chính mình.

Bích Lan rất mê văn hóa Ấn Độ. Hễ có tài liệu nào về đất nước này là chị tìm đọc, xem. Người con gái nhỏ bé vốn không thể tự mình ra khỏi ngõ ấy còn mang ước mơ một ngày nào đó được đặt chân đến đất nước có nền văn hóa rực rỡ ấy. Vì vậy, khi được mời dịch tiểu thuyết "Triệu phú khu ổ chuột" của tác giả Vikas Swarup, chị đã rất vui vẻ nhận lời. Bích Lan đã làm việc liên tục nhiều ngày đêm trong điều kiện quê nhà Thái Bình thường xuyên mất điện để kịp thời hạn ra sách. Đây là tiểu thuyết thứ 2 của một tác giả người Ấn Độ mà chị đã dịch (sau cuốn "Nghìn khuôn mặt của đêm"). Đến khi tác phẩm được chọn để trao Giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, chính chị cũng không khỏi bất ngờ và hạnh phúc.

Chúng tôi đến thăm Bích Lan vào một ngày xuân nhưng lại lạnh giá bất thường. Chị nói rằng mùa đông vừa rồi là một mùa đông khó khăn với chị. Bởi thời tiết lạnh kéo dài khiến chị rất đau. Chỉ nhờ làm việc mà chị quên đi nỗi đau thể xác đang dày vò. Mỗi ngày, Bích Lan vẫn làm việc từ 6 tới 7 giờ. Giữa đó bao giờ cũng có các quãng nghỉ ngơi và ngày nào cũng hơn 10 giờ tối chị mới đi ngủ. Giờ đây, nhờ sự kỳ diệu của internet mà chị được giao lưu với rất nhiều người, trong đó chủ yếu là độc giả trong nước sau khi đón nhận các tác phẩm dịch thuật của chị hoặc biết về chị qua các bài báo và các tác giả trên thế giới khi chị liên hệ để xin được dịch các tác phẩm của họ ra tiếng Việt.

Bích Lan có cách làm việc cẩn trọng, chu đáo. Đó là trong quá trình chuyển ngữ, chị luôn cố gắng giữ mối quan hệ chặt chẽ với các tác giả bản ngữ để nếu có gì khúc mắc, chị sẽ gửi email để hỏi cho rõ. Chị cho biết: "Các tác giả nước ngoài mà mình tiếp xúc luôn khuyến khích các câu hỏi để cho ra vấn đề chứ không thích sự im lặng có thể dẫn đến sai sót không đáng có. Vì vậy, tùy từng cuốn mà mình làm phiền tác giả nhiều hay ít. Thông thường, khi mỗi cuốn sách ra đời, các nhà xuất bản bao giờ cũng liên hệ để gửi sách biếu tác giả. Nhưng bao giờ với tư cách cá nhân, mình cũng gửi biếu họ một cuốn sách kèm lời đề tặng và cảm ơn. Vì thế, nhiều tác giả tỏ ra xúc động trước việc làm nhỏ ấy của mình. Tuy không biết tiếng Việt để đọc được những điều mình viết trên đó, nhưng có tác giả còn viết thư lại cho mình và nói vui rằng: "Tôi phải học tiếng Việt thôi!".

Điều tuyệt vời là trong điều kiện sức khỏe như vậy nhưng Bích Lan luôn giữ được sự lạc quan. Chị bảo rằng: "Với mình, tìm được một công việc phù hợp với khả năng và sức khỏe đã là mừng lắm rồi, công việc ấy còn mang lại cho mình niềm vui thì đúng là điều hạnh phúc…". Cuối năm 2009, chị là một trong số nhân vật trong triển lãm ảnh "Họ đã sống như thế" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Sau này, khi Nhà xuất bản Trẻ ấn hành sách ảnh và tiến hành chuyển ngữ Việt – Anh cuốn sách này, họ đã mời chính nhân vật – dịch giả Bích Lan chuyển ngữ và vào Sài Gòn giao lưu với độc giả. Đây cũng là lần đầu tiên Bích Lan tiến hành chuyển ngữ Việt – Anh và chị nghĩ rằng, nếu điều kiện cho phép, có thể chị cũng tham gia thêm vào mảng dịch này.

Khi tôi chuẩn bị ra về, Bích Lan tặng tôi cuốn sách thứ 21 của chị có tên "Bị bán" của tác giả Patricic McCormick (Mỹ) vừa được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành với lời đề tặng giản dị mà ấm áp, đúng như tính cách của chị. Tiểu thuyết "Bị bán" là sách lọt vào chung khảo của giải National Book Award năm 2007. Trên máy tính của chị, bản thảo dịch cuốn "Gone to the earth" của tác giả Marry Webb vẫn còn mở để đó, khi nào dịch xong chị mới đặt tựa sách. Chị cho biết, bản dịch cuốn tiểu thuyết "Rời bỏ thế giới" của tác giả Douglas Kennedy (Mỹ) thì hiện đang nằm ở một nhà xuất bản.

Mỗi lần đến gặp Bích Lan, khi ra về tôi thường mang trong lòng nhiều suy nghĩ. Điều lớn nhất tôi học được ở chị, đó chính là nghị lực, sự kiên cường và khát khao được sống có ích.

Xin thông tin thêm, nếu một ngày đẹp trời nào đó, bạn đến thăm Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội), bạn hãy ghé vào gian trưng bày "8 gương mặt Phụ nữ đương đại", bạn sẽ thấy ảnh Bích Lan cùng lời giới thiệu về chị ở đó bên cạnh những người phụ nữ Việt Nam khác như bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà tạo mẫu Minh Hạnh, bác sĩ Bùi Thị Ngọc Phượng… Và lúc ấy, chắc chắn bạn sẽ có những cảm nhận giống tôi…

Hà Anh – Theo CAND Online

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *