Bên bờ hạnh phúc

Chiều 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt với các đại biểu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhân dịp về dự Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ III. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt các đại biểu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhân dịp về dự ĐH thi đua Vì nạn nhân chất độc da cam toàn quốc lần thứ ba. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

 

 

Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ III (từ 12 – 13/7/2016), với khoảng 300 đại biểu tham gia, là một trong những sự kiện quan trọng nhân dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Theo số liệu công bố, cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó nhiều địa phương có số lượng người nhiễm chất độc da cam khá cao… 

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã phát triển liên tục, toàn diện, ổn định. Đến nay, Hội đã có mạng lưới tổ chức hội thành viên ở hầu khắp cả nước, với 61/63 hội cấp tỉnh/thành; 594 hội cấp huyện/quận; 6.341 hội cấp xã/phường… với hơn 360.000 hội viên. Hội đã thành lập trung tâm bảo trợ xã hội ở Hà Nội để nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam/dioxin, 24 trung tâm thuộc các tỉnh/thành hội nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề cho hàng nghìn lượt nạn nhân. 

Nói chuyện với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời thăm hỏi, chia sẻ, cảm thông sâu sắc đến toàn thể nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; bày tỏ xúc động, khâm phục tinh thần, nghị lực vượt khó, vượt lên số phận của các nạn nhân, làm được nhiều việc có ích cho cuộc sống bản thân, hòa nhập cộng đồng. Chủ tịch nước nêu rõ, cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành trong chiến tranh xâm lược ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất và gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại. 

Thảm họa chất độc da cam/dioxin đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không có thiên chức làm vợ, làm mẹ, nhiều người khác đang chết dần, chết mòn vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, vết thương từ bom đạn dần được hàn gắn, nhưng vết thương chiến tranh do chất độc hóa học gây ra cả về thể xác lẫn tinh thần cho dân tộc Việt Nam và nạn nhân chất dộc da cam thì còn dai dẳng, lâu dài… 

Biểu dương nghị lực, cố gắng vươn lên hoàn cảnh khó khăn, không cam chịu số phận của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đồng thời đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đã nỗ lực, không quản ngại khó khăn để chăm lo sức khỏe cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể nhân dân các cấp đã quan tâm, có biện pháp hành động thiết thực, tích cực triển khai chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. 

Chủ tịch nước cho biết, phong trào “Hành dộng vì nạn nhân chất độc da cam” đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, góp phần giúp nạn nhân giảm bớt khỏ khăn, xoa dịu nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã có nhiều nỗ lực tạo dư luận rộng rãi trong và ngoài nước đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân; tích cực vận động các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân. Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp trên 1.150 tỷ đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sản xuất, khắc phục thiên tai, cấp học bống cho con em nạn nhân… 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa mang tính nhân đạo, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và người dân cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức trách nhiệm tham gia công tác khắc phục hậu quả thảm họa da cam. 

Chủ tịch nước đề nghị, các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam rà soát chính sách để bảo đảm tất cả nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều được thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Đi cùng với đó là nhiệm vụ đổi mới, đa dạng hóa, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới tích cực hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động giúp đỡ và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần tập trung hướng về cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ, gắn bó với các nạn nhân chất độc da cam, nhất là nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận và thụ hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi các cá nhân và tổ chức quốc tế, nhân dân các nước trên thế giới hãy hành động, đóng góp vật chất, chia sẻ tinh thần đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; ngăn chặn chiến tranh hóa học ở bất cứ đâu trên thế giới trong tương lai. Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực sự là chỗ dựa vững chắc, là người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam./. 

Nguồn: ĐỨC DŨNG (TTXVN/VIETNAM+) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *