Bên bờ hạnh phúc

Trong ngày hội tôn vinh thi ca lớn nhất nước diễn ra cả ngày hôm qua, 17/2 (15/1 Tân Mão) tại Văn Miếu, rất nhiều nhà văn, nhà thơ đến từ mọi miền đất nước cũng như du khách nước ngoài đã được (bị) “ngợp” bởi thơ thiếu nhi, thơ truyền thống và thơ hiện đại qua các hình thức ngâm thơ, đọc thơ, hát thơ, thả thơ và trình diễn thơ…

1. Trái với sân thơ truyền thống và sân thơ hiện đại, sân thơ thiếu nhi vì được bố trí ở Hồ Văn phía bên kia đường trước Văn Miếu nên nhiều người, nhất là những người ở xa đến, chưa biết Hồ Văn ở đâu cứ loay hoay đi tìm trong khu vực Văn Miếu. Và dù có biết sân thơ thiếu nhi ở Hồ Văn đi chăng nữa thì du khách cũng ngại “vượt chướng ngại vật” là xe cộ nườm nượp dưới lòng đường để băng qua với các em, thưởng thơ do chính các em ngâm, đọc. Thế nên, nhác thấy sân thơ thiếu nhi có phần vắng vẻ, có người khẽ lắc đầu: “Các em thiếu sinh lạc lõng quá!”.

Một số nhà thơ đọc thơ có sự trợ giúp của… văn bản

 

Sân thơ hiện đại năm nay “hút khách” là bởi “truyền thống” của sân thơ này là hay “mang tiếng quậy”, luôn gây được sự tò mò với công chúng, chí ít là vài phút ban đầu. Mặc dù năm nay những “bô lão” như Dương Tường không thấy tham gia, thay vào đó là toàn những nhà thơ trẻ nhưng không những không thấy họ “quậy”, mà dường như còn đằm hơn, “hiền lành hơn”.

Ấy vậy nhưng cái sự đằm đó lại “mất điểm” trong mắt công chúng chỉ bởi một số “người thơ” thay nhau lên thể hiện tác phẩm của mình đều phải “dán mắt” vào giấy để đọc, như màn “song tấu” của Nhã Thuyên và Trương Xuân Thiên, của Tổng đạo diễn sân thơ hiện đại – nhà thơ Phan Huyền Thư, của tác giả Bà tôi – nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến… Thậm chí, chỉ cần lúng túng, lật giở văn bản không nhanh là đã không thuộc, hoặc nói như dân chơi nhạc: lại vấp đĩa!

Có thể thông cảm với việc các nhà thơ rằng vì không thuộc thơ nên mới nhờ đến văn bản. Nhưng việc tay micro, tay giấy và mắt phải nhìn vào văn bản, dồn hết tâm trí vào việc thể hiện bài thơ theo đúng ý mình. Cho nên hiệu quả “trình diễn” có phần sút giảm. Giữa người đọc thơ và người thưởng thơ có một vách ngăn vô hình: Ai đọc cứ đọc, ai nghe cứ nghe.

2. Trong khi đó ở sân thơ “già” (sân thơ truyền thống), khách thơ kéo đến ngày một đông. Là bởi cái cách “các cụ” đưa thơ đến với công chúng. Đó là sự ung dung, điềm đạm và đã đọc là ra đọc, ngâm ra ngâm, hát ra hát mà tay như múa, mắt như “có lửa thơ” sưởi ấm lòng người nghe đang đội mưa xuân, lom khom với rét ở phía dưới.

Thế nên, có người đã nói: “Truyền thống đã cứu cho hiện đại một bàn thua trông thấy trong lễ hội thơ Nguyên Tiêu năm nay!?”

Khôi Nguyên – Theo Thể thao Văn hóa
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *