Mùa xuân đã đến, những cành mai vàng vươn vai khoe sắc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Người dân xã Đông Thạnh – vùng căn cứ Giáo Mẹo xưa – cũng đang vui đón một mùa xuân mới.

Chúng tôi thật hết sức ngỡ ngàng khi đến Ngã tư Giáo Mẹo của xã Đông Thạnh. Mới mấy năm không có dịp ghé qua, đã thấy một Giáo Mẹo sung túc bất ngờ… Đây là một địa danh rất nổi tiếng nằm trong khu căn cứ B.10 (Giao Bưu – vận Tây Nam bộ) năm xưa, nhưng nổi danh nhất là từ khi nó trở thành quyết chiến điểm mà quân ta tiêu diệt một lực lượng lớn quân xâm lược, kể cả xe tăng và đại bác, trong trận cuối cùng trước khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đúng 3 ngày.

Trận càn này, nổi tiếng vì mục tiêu của chúng là hòng tiêu diệt cây pháo 105 – một chiến lợi phẩm mà lực lượng ta đã thu được trong trận tập kích tại Yếu khu Thầy Phó – Hựu Thành trước đó, rồi trong chiến dịch, ta lại dùng cây pháo 105 đó nã pháo vào căn cứ quân sự Mỹ ở Cái Vồn và Cần Thơ. Kết quả là trận càn thất bại, xác lính Mỹ, xác xe tăng, xe bọc thép cháy nằm ngoài đồng vì bị "du kích cơ quan" – những người thường ngày đánh máy, chạy thư, nấu ăn – đánh bại trong cuộc càn tưởng chừng không cân sức.

Người ta bảo, hồi đó ở đây rừng rú bao vây chung quanh. Còn bây giờ thì Ngã tư Giáo Mẹo đã là một ngã tư nhộn nhịp, với kênh rạch thông thương; đường tráng nhựa rộng rãi, thêm rất nhiều nhánh con, và trở thành một trung tâm xã có công sở, nhà tường, cửa hàng, cửa hiệu sầm uất. Anh Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã đầu tiên và cũng là "thổ công" của vùng đất mới, vì đã lăn lộn tại nơi này từ thời chống Mỹ, kể chuyện cho chúng tôi nghe. Lúc mới lập xã (1994), chưa có một thứ gì, ủy ban, chi ủy đóng khu nhà tạm bợ, còn các ban, ngành xã thì làm việc tại nhà tiền chế. Trên cho ít kinh phí để xây dựng thì phải chọn một trong hai thứ, hoặc xây trụ sở hoặc xây cầu qua kênh Giáo Mẹo, xã chọn cây cầu trước. Kết quả là bây giờ vừa có cầu bề thế lại vừa có trụ sở khang trang. Rồi tiếp tục điều chỉnh thủy lợi, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng vật nuôi cho bà con nông dân, có người làm ăn khấm khá, làm giàu nữa. Chẳng thế mà "đất lành chim đậu", dân cư ngày thêm đông đúc.

Đông Thạnh ngày thêm giàu đẹp. Ảnh: Báo Vĩnh Long

 

Nét đổi mới dễ nhận thấy nhất, là việc xây dựng chợ Giáo Mẹo. Nếu như trước đây, khu vực này là bãi đất trống, thì nay là chợ đông đúc và khu dân cư thương mại kế bên với hơn 50 hộ kinh doanh, buôn bán. Chợ Giáo Mẹo bây giờ hoạt động rất nhộn nhịp. Các mặt hàng buôn bán rất đa dạng, từ điện máy, quần áo may sẵn đến tạp hóa, phân bón, thức ăn gia súc… Ngoài ra, nhờ địa thế thuận lợi nằm ở trung tâm 5 xã: Thuận An – Tân Phú, Đông Bình, Ngãi Tứ – Đông Thành, nên thu hút khá đông lượng người đến tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa. Vòng qua chợ một lúc, thấy đời sống của người dân ở đây có vẻ dễ chịu, nhất là ngày Tết thì có thể nói là sung túc hơn.

Chúng tôi cũng đã đến thăm hồ nuôi cá lóc của anh Phan Việt Huyền, một "ông chủ mới", đi lên từ hai bàn tay trắng, để xem tận mắt sự thay đổi này. Anh Huyền hiện là Bí thư chi bộ ấp Đông Thạnh C. Cách đây 4 năm, anh chỉ có hai bàn tay trắng, đến cái xe đạp cũng chẳng có mà đi. Anh phát rẫy, ban gò mối, trồng cam, bưởi. Thu hoạch được bao nhiêu anh tích cóp lại, chẳng mua sắm gì hết, chỉ dành tiền nuôi cá, vì anh rất mê cá. Lúc đầu anh nuôi cá trắng (như cá sặc, mè dinh) nhưng thu nhập không cao, nên anh chuyển hướng nuôi cá đen (tức cá lóc). Hiện anh nuôi chỉ có 2 vèo cá lóc, mỗi vèo khoảng 2.000 con, nhưng chỉ mới qua hơn 2 tháng tuổi mà cá đã 3 – 4 con vào 1 kí. Anh bảo Tết này, mỗi vèo anh sẽ thu hoạch 250 kí cá. Về cam, bưởi thì mỗi năm anh thu hoạch trên 1 tấn trái. Anh Huyền không phải là người có thu nhập vào hàng cao ở đây, còn những "đại gia" khác từ nhiều nơi đến Đông Thạnh làm ăn. Họ cũng rất khá, nhưng chúng tôi nói về anh Huyền vì anh là một bí thư chi bộ ấp, đi lên từ nhiều khó khăn…

Điều đặc biệt khiến chúng tôi quan tâm hơn cả, đó là hầu hết các gia đình ở xã Đông Thạnh đều thờ chung ảnh Bác Hồ với bậc sinh thành ra mình trên bàn thờ tổ tiên, với tâm niệm: "Không có Bác thì chúng ta không có cuộc sống như ngày hôm nay", một thông điệp hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, chẳng ai nhớ có tự bao giờ nhưng những thế hệ dân làng ở đây luôn tự nhắc nhở trong lòng. Năm Bác Hồ mất, cũng là thời kỳ sau cuộc tổng tấn công và nổi dật Xuân Mậu Thân, chính quyền Sài Gòn càng siết chặt chính sách kìm kẹp ở các vùng nông thôn, thành thị miền Nam. Cả nhà bà Nguyễn Ngọc Cơ (năm nay bà 86 tuổi, là mẹ VNAH ở ấp Thanh Lý – Đông Thạnh), thương tiếc Bác nhưng không biết làm thế nào. Thế rồi, bà có sáng kiến kiếm một cái bảng bằng cỡ khuôn hình, vẽ số 1969 lên rồi đặt trang trọng trên bàn thờ. Mỗi ngày, mấy anh em bà thay nhau đốt nhang, nhớ Bác. Bà kể: Thỉnh thoảng, anh em du kích vẫn lựa lúc đêm tối vào treo cờ của bên mình trên cây bàng nhớt trên bờ sông ở đầu ấp. Được nhìn thấy lá cờ của cách mạng, dù không được nói ra nhưng trong lòng bà thấy ấm áp vô cùng. Sau ngày giải phóng, chính bà tự tay treo tấm ảnh Bác Hồ lên vị trí trang trọng nhất trong nhà và vận động con cháu, dòng họ cùng treo ảnh Bác:

Hơn ba mươi năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhang (ở ấp Đông Thạnh A), cùng con cháu trong nhà luôn trân trọng treo tấm ảnh của Bác Hồ ngay chính diện phía trên bàn thờ tổ tiên của gia đình. Ông Nhang cho biết: Năm 1951, ông đi bộ đội chủ lực, về hưu năm 1991 với quân hàm Trung tá. Năm nay, ông đã 84 tuổi song vẫn còn tráng kiện, minh mẫn. Ông vẫn nhớ và đọc thuộc lòng 10 lời thề quân nhân không hề vấp váp. Hằng năm, cứ vào các ngày lễ lớn: Quốc khánh 2-9, thành lập Quân đội nhân Việt Nam 22 – 12 và Tết nguyên đán là vợ chồng ông tổ chức lễ giỗ Bác. Theo ông, lễ giỗ này là để nhắc nhỡ con cháu luôn tưởng nhớ đến công lao to lớn của Bác Hồ để học tập, lao động có ích cho quê hương đất nước. Hiểu được tấm lòng cùng việc làm đầy ý nghĩa của ông, các con ông đã không ngừng học tập và vươn lên trong cuộc sống.

Trường Tiểu học Đông Thạnh A lại có cách làm khác. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc việc treo ảnh và Di chúc của Bác tại mỗi hộ gia đình cán bộ, giáo viên và phòng làm việc, nhà trường còn triển khai mô hình mỗi lớp học đều có treo ảnh Bác và 5 điều Bác Hồ dạy. Hàng tuần, nhà trường đều lấy một trong 5 điều Bác Hồ dạy làm chủ đề thi đua cho các em học sinh. Để kiểm tra, các thầy cô chủ nhiệm chủ động liên hệ với gia đình các em, tìm hiểu xem học trò của mình đã ứng dụng lời Bác dạy như thế nào. Em nào làm tốt, trường có thưởng, em nào chưa tốt, trường khuyên nhủ, uốn nắn dần. Cứ thế, học trò ở ngôi trường này thật sự hiểu và làm theo lời Bác

So với chừng mười năm trước, xã Đông Thạnh thay đổi đến mức ngay những người ở Đông Thạnh cũng phải ngạc nhiên. Trước đây, chỉ có con lộ đất từ dốc cầu Đông Bình rẽ tới trung tâm xã khoảng 7 cây số là hết đường. Đông Thạnh là một xã nghèo của huyện Bình Minh, bước chân ra khỏi cửa là phải đi xuồng. Bây giờ, tất cả các ấp trong xã đều có đường nhựa, đường bê-tông , xe 4 bánh đi lại dễ dàng. Ghe xuồng đã giảm tới bảy chục phần trăm, còn xe gắn máy thì tăng lên và ngày càng tăng. Những chuyện đổi đời ấy, trong các lĩnh vực điện, đường, trường, trạm, kể cả nông nghiệp và thủy lợi, làm cho huyện và cả tỉnh chú ý, cử người về kiểm tra kỹ, chọn xã Đông Thạnh là xã để tiến hành Xây dựng mô hình nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2015:

Điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là tại xã này, có một nhà văn hóa được xây cất rất qui mô, bề thế với những vật liệu mới, to đẹp. Ngoài phòng trưng bày truyền thống, thư viện và phòng chức năng, còn có lớp học chống mù chữ dành cho những người lao động nghèo vì cuộc mưu sinh trước đây không có điều kiện học. Tại hội trường – nơi dành cho những cuộc hội họp – đêm đêm cũng biến thành một sân khấu và là nơi sinh hoạt văn hóa chứa được mấy trăm người. Đông đảo dân trong xã từ cụ già, thanh niên đến các em bé tới vui chơi, biểu diễn văn nghệ quần chúng và giao lưu với các câu lạc bộ tài tử khác. Cũng đàn ghi-ta, loa thùng, am-pli, mi-crô; cũng đèn chiếu sáng… Và, cứ mỗi thứ năm, thứ bảy hàng tuần, tiếng hát, lời ca ngân vang, mùi mẫn…

Hiện Đông Thạnh có trên 95% hộ gia đình có ảnh của Bác, đây là biểu hiện cụ thể tình cảm của người dân Đông Thạnh đối với Bác Hồ kính yêu. Thông qua việc học tập và làm theo Di chúc của Bác, tinh thần đoàn kết trong cán bộ, Đảng viên; trong dân ngày càng được khẳng định và phát huy. Đến Đông Thạnh trong những ngày giáp tết Tân Mão, chúng tôi chứng kiến các ban, ngành, đoàn thể, ai cũng bận rộn bội phần. Đó là việc thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đón tết. Hiện toàn xã có 142 hộ nghèo và 104 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới, chiếm 19,5% tổng số hộ dân, 304 hộ gia đình chính sách. Theo đó, xã đã tập trung tổ chức các hoạt động tặng quà, chúc tết đến từng đối tượng, nhằm đảm bảo người người có tết, nhà nhà có tết. Những món quà tuy nhỏ, nhưng đó thực sự là niềm động viên, chia sẻ lớn lao giúp người nghèo có một cái tết vui vẻ, đầm ấm, với một niềm tin vững vàng hơn trong năm mới.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *