Kết luận
Sau khi tìm hiểu các dạng thức văn hóa vật chất : nhà cửa, trang phục, ẩm thực và phương tiện đi lại của cư dân tại Vĩnh Long, có thể rút ra một số nét chính như sau :
1. Các dạng thức văn hóa vật chất trên là kết quả, sản phẩm của quá trình phát triển văn hóa truyền thống (chủ yếu từ miền Trung), của sự cách tân hoặc thay đổi về văn hóa tộc người trong môi trường sinh thái phong phú, đa dạng của Nam bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng.
Các dạng thức này phản ánh khá rõ nét qua các giai đoạn lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của Nam bộ qua các thời kỳ. Đặc biệt, dấu ấn văn hóa miền Trung còn thể hiện, bảo lưu khá sâu sắc. Ví dụ : Về nhà cửa, nhiều dòng họ lớn gốc gác ở Huế đã đem cả bộ sườn nhà truyền thống vào, phong cách trang trí nội thất nhà có tran thờ rất to trên cao nơi vách gian giữa. Kỹ thuật kèo và đòn tay “guốc chèo” trên mái nhà, vườn kiểng trong các nhà vườn như miền Trung v.v… Về trang phục, phong cách mặc kế thừa của cư dân Đàng Trong rõ nét, trong đó thể hiện sắc thái kín đáo, nền nã như phụ nữ mặc áo dài thường nhật, ngay cả khi lao động. Về ẩm thực, còn bảo lưu những món ăn, thức cúng của cư dân miền Trung v.v…
2. Các dạng thức văn hóa vật chất của cư dân Vĩnh Long thể hiện rất rõ yếu tố văn hóa sông nước, phản ánh môi trường sống tại một vùng có hệ thống sông rạch chằng chịt, ghe xuồng phong phú, đa dạng, trong đó có thể thấy văn hóa của cư dân vùng cù lao khá nổi bật (Vĩnh Long có nhiều cù lao như cù lao Mây – Lục Sĩ Thành ở Trà Ôn, cù lao Quới Thiện ở Vũng Liêm, cù lao An Bình, cù lao Bình Hòa Phước ở Long Hồ… ).
3. Vĩnh Long là một vùng đất thể hiện rõ văn hóa miệt vườn với phong cách sống đặc trưng. Nhiều gia đình, dòng họ sinh sống tại Vĩnh Long lâu đời vẫn còn giữ nếp sinh hoạt xưa mang yếu tố văn hóa truyền thống hết sức đặc biệt (nhà xưa đồ sộ với hệ thống kèo cột vững vàng, bề thế, đầu kèo chạm trổ cẩn xà cừ, đòn dông chạm trổ sơn son thiếp vàng, các câu thơ trên cột mang ý nghĩa sâu sắc, bóng bẩy, các bộ trang phục, nữ trang bằng vàng được chế tác vô cùng khéo léo, tinh xảo của phụ nữ Vĩnh Long v.v… ). Những yếu tố văn hóa vật chất này là nguồn tài liệu quý, giúp ta tìm hiểu về lịch sử kiến trúc truyền thống, văn học, nghề thủ công chạm trổ trên gỗ, trên kim loại quý, nghề thêu, cẩn xà cừ… của cư dân Vĩnh Long nói riêng và Nam bộ nói chung.
4. Có thể nói, cư dân Vĩnh Long sống trong một môi trường văn hóa phong phú, đa dạng, bảo lưu được cho tới nay nhiều yếu tố văn hóa cổ xưa như : phong tục trùm khăn đỏ của cô dâu xưa, bài khấn trong lễ cúng việc lề, kỹ thuật đòn tay “guốc chèo” v.v… Môi trường văn hóa này mang đặc điểm chung của vùng Nam bộ nhưng vẫn bộc lộ những yếu tố văn hóa rất đặc trưng, thú vị, mang phong cách rất riêng có của Vĩnh Long.
Trong đời sống văn hóa vật chất hiện nay, cư dân Vĩnh Long thể hiện nhiều động thái, nhiều yếu tố đổi thay, cách tân về mọi lĩnh vực, đặc biệt trong việc biết vận dụng môi trường sinh thái, thử nghiệm, cải thiện điều kiện sống nơi nhà cửa, ẩm thực, phương tiện đi lại… biết cải thiện kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, phương thức chế tác sản phẩm nghề thủ công… để đảm bảo cuộc sống, biết bảo vệ giữ gìn di sản văn hóa truyền thống và cách tân, hiện đại để đảm bảo tính chất văn hóa bền vững của địa phương mình.
TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long