II. Phương tiện di chuyển đường bộ

Trước đây, giao thông đường bộ chưa phát triển nên cư dân Vĩnh Long chủ yếu chỉ di chuyển bằng ghe xuồng. Nếu cần di chuyển trên đường lộ đất, người ta chỉ đi bộ hoặc chuyên chở bằng xe thùng gỗ do trâu hoặc bò kéo. Thời Pháp thuộc, do nhu cầu phát triển thuộc địa, thực dân Pháp sửa sang, mở mang đường sá, xây cầu tại một số tuyến đường chính nên người dân Vĩnh Long thời ấy bắt đầu làm quen dần với một số phương tiện di chuyển mới như xe ngựa, xe thổ mộ một ngựa kéo, xe đạp, xe máy, xe đò, xe lửa, xe buýt…

Vào thập niên 20 của thế kỷ này, toàn xứ Nam kỳ có 21 tỉnh, xe ngựa mỗi tỉnh đều mang ký hiệu riêng cũng như ghe thuyền số 17 là số của tỉnh Vĩnh Long. Năm 1936, có hãng xe đò Trương Vĩnh Tài chạy lộ trình Vũng Liêm – Vĩnh Long – Tân Hòa. Khoảng năm 1940, bắt đầu có tuyến xe buýt của Phạm Hòe xuất hiện tại Vĩnh Long…

Xe lôi đạp ở Thất Sơn – An Giang

Dần dần, Vĩnh Long cũng như toàn Nam bộ có xe lôi đạp, xe lôi máy để chở người đi nơi lộ trình ngắn trong thị xã, thị trấn và còn xe ba gác đẩy, xe ba gác lôi có hoặc không có gắn máy để chở người. Xe này cũng có thể dùng chở hàng hóa, gia súc…

Hiện nay, để di chuyển nhanh, gọn, khắp nơi trong tỉnh đều có hệ thống “xe ôm”, thường là những hiệu xe máy nổi tiếng, chịu được các loại đường sá tốt lẫn chưa tốt trong tỉnh như các loại xe Honda, Citi, Dream… Theo thông báo của ngành giao thông thì trong năm 2000, toàn tỉnh Vĩnh Long sẽ giải tán, không còn cho phép xe lôi đạp và xe lôi máy hoạt động nữa vì loại phương tiện chuyên chở kể trên không an toàn cho hành khách.

Theo báo cáo tổng kết năm 1996 của UBND tỉnh Vĩnh Long thì toàn tỉnh có :

– Xe khách và xe du lịch : 360 chiếc (7.318 ghế)

– Xe tải : 353 chiếc (2.081 tấn)

– Xe con : 250 chiếc (1.684 ghế)

– Xe lam, Daihatsu : 55 chiếc (651 ghế)

– Xe lôi : 692 chiếc (2.760 ghế)

– Xe ba gác : 64 chiếc (12.800 ghế) (48)

Xe lôi máy vùng này cũng hoạt động 2 tuyến. Tuyến thứ nhất đi bắc Bình Minh, tuyến thứ nhì đi Ba Càng, cứ khoảng 3 km là 2.000 đồng. Còn xe lôi đạp chở đi loanh quanh trong thị trấn trung bình 3.000 đồng một cuốc trong vòng 3 km trở lại.

Hiện nay, những người nghèo chỉ có xe đạp làm phương tiện sinh nhai, hành nghề “xe đạp ôm” có khoảng 40 chiếc. Dù giá chỉ 1.000 đồng/ chuyến di chuyển trong vòng 2 km trong thị trấn nhưng vẫn khó tìm ra người cần đi bởi hầu như nhà nào cũng có xe đạp, xe máy. Riêng xe ba gác chở hàng thì tương đối vẫn còn đáp ứng được nhu cầu chuyên chở của khách, nhất là thời gian còn bắc Mỹ Thuận, người ta thuê chở hàng ra bắc chừng 5.000 đồng/ chuyến. Nhưng nay cầu Mỹ Thuận đã có, lưu lượng chuyên chở hàng không còn cao, xe ba gác chỉ còn chuyên chở hàng chủ yếu nơi những tuyến đường nối từ huyện này sang huyện khác tại Vĩnh Long với giá cả chừng 15.000 – 20.000 đồng/ chuyến.

Hiện nay, mạng lưới xe đò, xe du lịch mỗi huyện có chừng 30 – 40 chiếc, tương đối đủ cung ứng cho nhu cầu đi lại, chuyên chở với giá cả tương đối rẻ để phục vụ người dân Vĩnh Long.

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————

(48) Toàn tỉnh Vĩnh Long có một cảng và 282 bến tàu đò và bến xe. Trong một năm, vận tải hàng hóa và hành khách đường thủy và đường bộ gồm :

– 5,7 triệu lượt hành khách, luân chuyển 134 triệu người

– 412.000 tấn hàng hóa, luân chuyển 67 triệu tấn/ km (lương thực, VLXD, nhiên liệu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *