Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ở nước ta phát triển mạnh nên ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi cũng có tốc độ tăng trưởng cao, từ 15 đến 17% mỗi năm. Tuy vậy, ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn còn gặp không ít khó khăn do sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hiện nay, phần lớn nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi của nước ta vẫn phải nhập khẩu. Trong đó, nước ta nhập khẩu nhiều nhất là khô dầu đậu tương và bột cá, bắp. Bình quân mỗi năm nước ta phải nhập từ 2 đến 2,5 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1 triệu tấn bắp.

Theo thống kê của các ngành hữu quan, năm 2009, nước ta đã chi 2,1 tỷ USD để nhập các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Trong đó, trên 1 tỷ USD để mua khô dầu đậu tương, trên 300 triệu USD mua bắp, trên 280 triệu USD để mua bột cá, bột xương. Ngoài ra, ta còn nhập các nguyên liệu như: khoáng, vitamin, chất tạo màu, mùi…

Chỉ tính trong quí I năm nay, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi lên tới 813 triệu USD.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2020, nhu cầu về thức ăn phục vụ chăn nuôi của nước ta khoảng 15 triệu tấn, muốn đạt được sản lượng này, nước ta phải nhập khoảng 50% lượng nguyên liệu. Thực tế này đòi hỏi nước ta cần xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi để hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu, giảm chi phí cho các nhà sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, tạo điều kiện cho người chăn nuôi sản xuất có hiệu quả.

Anh Kiệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *