Cả 6/6 tỉnh được giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về BHXH năm 2015 đều có doanh nghiệp nợ BHXH với tổng số 433 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ BHXH bình quân của 6 tỉnh được giám sát đạt 13% trên tổng số lực lượng lao động tham gia BHXH.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về BHXH. Ảnh: VGP/Hoàng Long.

 

 

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về BHXH năm 2015 diễn ra chiều 23/3.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự và chủ trì Hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, từ ngày 5/10-13/11/2015, Đoàn giám sát liên ngành của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH tại 16 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn 6 tỉnh là Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp và  An Giang.

Kết quả giám sát cho thấy có 15/16 DN thường xuyên đóng BHXH chậm theo quy định của Luật BHXH, ít nhất từ 1-2 tháng. Cá biệt có 3 DN nợ dây dưa, kéo dài trên 2 năm và 2 DN nợ trên 6 tháng. Tổng số chậm đóng và nợ BHXH của 16 DN là trên 31 tỷ đồng.

Có 7/16 DN đăng ký và tham gia đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa đầy đủ cho người lao động làm việc tại DN.

Việc ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) còn chưa đúng với quy định của pháp luật như không ký HĐLĐ, hoặc ký HĐLĐ thời vụ cho lao động thường xuyên tại DN, hoặc thỏa thuận đóng BHXH tự nguyện thay vì phải đóng BHXH bắt buộc.

Có 1.985 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, nhưng DN chưa đăng ký tham gia đóng BHXH và 1.106 trường hợp DN báo cáo là ký HĐLĐ dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH.

Kết quả giám sát năm 2015 cũng cho thấy 6/6 tỉnh được giám sát đều có DN nợ BHXH. Tổng số nợ BHXH của 6 tỉnh là hơn 433 tỷ đồng. Tỷ lệ trung bình số DN đăng ký tham gia BHXH trên tổng số DN đăng ký hoạt động chiếm 40% và tỷ lệ DN chậm và nợ BHXH trên số DN tham gia đóng BHXH là 44,9%.

“Tỷ lệ bao phủ BHXH bình quân của 6 tỉnh được giám sát đạt 13% trên tổng số lực lượng lao động tham gia BHXH. Tính trung bình cả 6 tỉnh có 14% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 64,6% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ này còn cách rất xa so với mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y giai đoạn 2012-2020 là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 80% dân số tham gia BHYT” – ông Mai Đức Chính thông tin.

Từ kết quả giám sát năm 2015, Đoàn giám sát liên ngành kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có kiến nghị với Chính phủ có giải pháp xử lý nợ BHXH ở các DN không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; khoanh nợ BHXH cho những DN thực sự khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và cả DN.

“Năm 2016, bên cạnh việc giám sát về BHXH, đề nghị giám sát về bữa ăn ca cho người lao động hoặc giám sát về việc thực hiện pháp luật về tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp”, ông Mai Đức Chính đề xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả 5 cơ quan đạt được trong việc thực hiện chương trình phối hợp giám sát. Qua 2 năm triển khai thực hiện đã hình thành cơ chế phối hợp ổn định cũng như góp phần giảm số nợ đọng BHXH.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, kết quả giám sát tại 6 tỉnh, thành phố tỷ lệ số DN đóng BHXH thực sự mới chỉ 40%, số không đóng là 60%. Đây là hiện trạng đáng suy nghĩ.

Người đứng đầu Ủy ban Trung ương MTTQ đề nghị, trong năm 2016, bên cạnh việc tổ chức các đoàn giám sát, 4 cơ quan chọn khoảng 2-3 trường hợp có vi phạm pháp luật về BHXH để khởi kiện ra tòa nhằm răn đe và tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật về BHXH đối với các DN, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Về chương trình giám sát năm 2016, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ở Trung ương chỉ tiến hành một số cuộc giám sát tập trung vào một số tỉnh, thành phố  như Hà Nội và TPHCM, Hà Tĩnh, Bình Dương. Nội dung giám sát bên cạnh việc thực hiện pháp luật BHXH cần mở rộng đến việc chấp hành luật pháp về tiền lương.

“Việc giám sát cần được chuyển giao để Liên đoàn LĐ các  địa phương triển khai thực hiện. Trong năm 2016 nên chuyển giao việc giám sát cho 15 tỉnh, thành phố có số thu thuế, lao động công nghiệp nhiều nhất để tiếp tục triển khai thực hiện tại các địa phương khác vào các năm tiếp theo”,  Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.

Nguồn: Anh Vũ ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *