Trong thời đại công nghệ cao ngày nay, người viết văn chủ yếu chọn phương thức “đánh vật” với con chữ trên bàn phím máy tính, vậy mà có một nhà văn vẫn cẩn trọng từng nét bút trên những mặt giấy tận dụng, dù ông có thừa điều kiện để viết trên những phương tiện hỗ trợ sang trọng hơn. Đó là nhà văn, dịch giả, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Dương Thu Ái.

Tự nhận là viết bằng… bút của giời, nhà văn Dương Thu Ái được nhiều bạn văn và cả bạn gặp trên đường đi bộ biết đến bởi một sở thích không giống ai, đó là viết bằng chính những cây bút… nhặt ngoài đường. Nhưng chỉ có những người được tiếp xúc trực tiếp với bản thảo viết tay của ông mới biết được thêm một điều thú vị là nhà văn có gần 200 đầu sách này “chuyên” viết… trên một mặt giấy tận dụng lại.

Năm nay vừa tròn 75 tuổi nhưng nhà văn Dương Thu Ái có đến hơn 30 năm miệt mài trên hành trình đi bộ rèn luyện sức khỏe, mỗi ngày hai bận. Trên hành trình quen thuộc cùng người bạn đời Nguyễn Kim Hanh, ông nhặt lấy những chiếc bút tình cờ nhìn thấy trên đường, để rồi những chiếc bút “của giời” ấy nên duyên với những mặt giấy trắng tận dụng thành những trang văn dày công tâm huyết, lấp lánh tình đời. Tổng số sách mà nhà văn Dương Thu Ái dịch, biên soạn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì sức làm việc khỏe khoắn, sự tinh nhanh của một lão nhà văn, ngỡ ngàng vì bấy nhiêu năm dù có điều kiện nghỉ ngơi ông vẫn chung thủy với chiếc bàn viết nhỏ trong căn phòng hẹp say mê sống và viết cơ man sách, bản thảo viết trên một mặt giấy và bút nhặt được ở ngoài đường.

Các biên tập viên NXB Phụ nữ, Công an nhân dân, Thanh niên, Văn hóa thông tin… đã quá quen thuộc với hàng nghìn bản viết tay trên một mặt giấy với nét chữ chân phương còn lờ mờ chữ in hằn từ trang bên kia của nhà văn Dương Thu Ái. Ông say mê dịch đến hơn 4.000 trang cuốn Mưu lược gia tinh tuyển, hơn 2.000 trang cuốn Thánh hiền thư, hơn 1.000 trang Tào Tháo và nhiều bộ sách quý của Trung Quốc. Không một ngày nghỉ ngơi, nhà văn Dương Thu Ái coi công việc dịch và biên soạn là niềm vui, lẽ sống.

Trên bàn viết của nhà văn Dương Thu Ái có dán 8 chữ “Tất sức tất lực tự nhiên hữu đức” (làm công việc gì phải hết lòng tự nhiên sẽ thành người có đức). Được Hội Nhà văn Hà Nội tặng 2 triệu để viết hồi ký, ông dùng hết vào việc mua sách tiếng Trung để dịch. 75 tuổi, nhà văn Dương Thu Ái vẫn say mê hoàn thành các bản thảo Truyện danh nhân cực ngắn, cực hay, Đại từ điển những câu chuyện thành ngữ, dự định dịch lại Kinh thi. Lão nhà văn yêu đời có đến 48 đầu sách truyện cười với những cái tên hết sức thú vị: Cười lạt, Cười man rợ, Cười lăn lóc, Cười nổ trời… Ông còn nuôi dự định trong 4 năm tới sẽ phấn đấu biên soạn, sưu tầm và dịch 48 đầu sách truyện cười nữa, vẫn trên một mặt giấy A4 tận dụng.

Một mặt giấy đã viết, người bình thường có thể bỏ đi, cùng lắm là tận dụng làm giấy nháp, thế nhưng nhà văn Dương Thu Ái, mặc dù có đầy đủ điều kiện để trang hoàng một cách “huy hoàng” cho những trang bản thảo của mình vẫn lựa chọn những mặt giấy trắng rất đỗi bình thường ấy để gửi gắm tài năng và tâm huyết văn chương. Hành động khác người mà vẫn giản dị ấy xuất phát từ chính đức tính tiết kiệm từ thuở hàn vi, từ chính sự nâng niu những gì rất đỗi nhỏ bé, đơn sơ mà vẫn có ích cho cuộc đời, nâng niu từng con chữ.

Trong căn phòng nhỏ với những giá sách cao quá đầu người, với những hộp các tông vô vàn loại bút nhặt dọc đường, với hàng nghìn trang bản thảo viết tay nghiêm ngắn đều tăm tắp trên một mặt giấy tận dụng, với những thùng đồ ăn nhanh được người bạn đời chăm chút; lão nhà văn Dương Thu Ái, 75 tuổi, với sức làm việc khiến nhiều người viết trẻ sung sức phải chào thua vẫn mê mải nhặt bút, mê mải viết trên những mặt giấy đơn sơ, mê mải yêu người, yêu đời.

Dương Thu Thái – Theo Sức khỏe và đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *