Vào giữa tuần qua, chỉ số giá lương thực thế giới do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố đã tăng lên đến mức cao nhất trong 27 tháng qua, đồng thời cảnh báo giá lương thực còn có thể tăng cao hơn nữa do diễn biến bất thường của khí hậu toàn cầu. Các chuyên gia lo ngại rằng, nếu giá lương thực tiếp tục tăng cao thì bất ổn sẽ càng gia tăng ở những nước nghèo nhất thế giới như quá khứ từng chứng kiến.
Những người nghèo nhất thế giới chịu tác động mạnh nhất do giá lương thực tăng vọt. Ảnh minh họa |
Báo cáo của FAO cho biết, chỉ số giá cả của 55 mặt hàng lương thực liên tục tăng trong 6 tháng cuối năm 2010 và đến tháng 12 đã lên 214,7 điểm. Các chỉ số giá của đường, thịt và ngũ cốc đều tăng lên mức kỷ lục mới. Theo FAO, giá lương thực sẽ tiếp tục tăng nếu sản lượng ngũ cốc toàn cầu không tăng mạnh trong năm 2011.
Tình trạng giá lương thực tăng sẽ tác động mạnh nhất tới những người nghèo nhất thế giới do họ chi tiêu phần lớn thu nhập vào việc mua lương thực, thực phẩm. Khi số tiền đổ vào lương thực quá nhiều, người nghèo càng nghèo thêm và người giàu càng giàu thêm. Từ đó, sự bất bình đẳng về mức sống gia tăng và trở thành 'thủ phạm' chính gây bất ổn. Thêm vào đó, nhiều nước sẽ bắt đầu ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực, dẫn tới giá cả tăng hơn nữa do giới đầu tư ngắn hạn gây ra. Những tác động tiềm tàng lên các lĩnh vực chính trị, kinh doanh và nhân đạo đang khiến các nhà hoạch định chính sách nhiều nước lo ngại.
Cho đến nay, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến giá lương thực tăng phần lớn là bởi nguồn cung giảm do có liên quan tới thời tiết như lũ lụt tại Australia, hạn hán tại Argentina, thời tiết khô hạn và cháy rừng ở Nga cũng như sương giá phá hoại mùa màng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng họ cũng lo ngại rằng, những diễn biến trên chính trường và thị trường có thể sẽ sớm trở thành nguyên nhân khiến giá thực phẩm tăng cao.
Nhiều người lo ngại, cú sốc thứ hai sẽ xuất hiện sau cú sốc tăng giá lương thực khi các nước phản ứng lại bằng cách áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu và giới đầu tư vào thị trường tài chính chỉ đầu tư ngắn hạn, khiến giá cả tăng hơn nữa do nguồn cung hạn chế như họ đã từng gây ra hồi năm 2008. Cuộc khủng hoảng lương thực khi đó đã trở thành nguyên nhân gây ra tình hình bất ổn ở những nước như Haiti, Ai Cập và Cameroon, dẫn đến yêu cầu phải quản lý thị trường hàng hóa chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, những báo cáo về tình hình bất ổn trên thế giới có thể làm giá nhiên liệu tăng thêm, thúc đẩy hoạt động đầu cơ tích trữ và mua hàng ồ ạt, cho dù nguyên nhân thực tế nhiều khi còn phức tạp hơn. Theo các chuyên gia, điều cần thiết là phải gia tăng sản xuất bằng cách đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, đẩy mạnh thông tin thị trường toàn cầu, tăng cường quản lý các thị trường giao theo kỳ hạn và lập một cơ chế, mạng lưới an toàn để bảo vệ người tiêu dùng.
Hồng Anh