Năm 2010, trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh tai xanh trên heo ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhiều mặt của ngươi dân nói chung và người nghèo nói riêng. Thế nhưng, đối với tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ hộ nghèo vẫn tiếp tục được kéo giảm từ 7,4% xuống còn 6%. Đây không chỉ là kết quả từ sự chí thú làm ăn của các hộ nghèo, mà còn có sự nỗ lực lớn của tổ chức mặt trận và các đoàn thể trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho những hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống
Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Trương Thanh Phương, Thị trấn Vũng Liêm luôn thiếu trước hụt sau. Nhà đông con nhưng chỉ có một ít đất vườn không có huê lợi gì đáng kể. Cho dù anh có chăm chỉ với cái nghề phụ hồ nhưng số tiền ít ỏi kiếm được cũng không đủ nuôi hai con ăn học. Thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Vĩnh Long, từ năm 2009 đến nay, anh đã được hỗ trợ vốn 5 đợt, tổng cộng 40 triệu đồng để chăn nuôi heo. Từ một vài con, đàn heo đã phát triển lên vài trăm con. Kinh tế gia đình phất lên nhờ nguồn quỹ hỗ trợ này.
Tương tự như gia đình anh Phương, cuộc sống gia đình chị Lê Thị Nga trước đây cũng rất bẩn chật, do ít đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn. Thông qua sự bảo lãnh của Hội Phụ nữ xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, chị được hỗ trợ vốn 2 đợt, tổng cộng là 5 triệu đồng để mua một máy se lõi. Tranh thủ thời gian nông nhàn để gia công se lõi lát, mỗi ngày chị cũng kiếm thêm được vài chục ngàn đồng trang trải cuộc sống gia đình.
Ngoài nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, năm qua, Hội Phụ nữ ở các ấp, khóm còn duy trì tốt hoạt động của hàng ngàn tổ phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau làm kinh tế gia đình, nên đã hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở các địa phương, đồng thời cũng nâng cao được hiệu quả sản xuất. Nhiều cơ sở hội còn tổ chức các lớp dạy nghề, tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình chị em.
Đối với hội nông dân, thời gian qua, có rất nhiều hội viên được hỗ trợ vốn làm kinh tế gia đình, nên đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Như trường hợp của anh Sơn Thoen. Được hội nông dân ấp Phù Ly 1, xã Đông Bình, huyện Bình Minh bảo lãnh vay vốn 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò của anh tăng lên 5 con trị giá vài chục triệu đồng, cuộc sống gia đình khắm khá lên. Ấp Phù Ly 1 có 343 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Kkmer. Hai năm trước, trong ấp có hàng trăm hộ nghèo. Từ khi được Hội Nông dân bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, thì toàn bộ số hộ này đã vươn lên thoát nghèo, ổn định được cuộc sống.
Được sự bảo lãnh của các tổ chức đoàn thể, trong năm 2010, tỉnh Vĩnh Long có trên 4.000 lượt đoàn viên, hội viên nghèo được vay tín chấp từ các quỹ tín dụng, từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với tổng số vốn trên 200 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã được bà con sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Trước khi nhận vốn, bà con còn được hướng dẫn cách thức làm ăn, được chuyển giao những tiến bộ khoa học -kỹ thuật thông qua sự phối hợp tổ chức giữa các đoàn thể với các cơ quan chuyên môn. Nhiều đoàn viên, hội viên nghèo gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở cũng được các tổ chức đoàn thể trao tặng nhà tình thương. Như gia đình anh Châu Văn Tâm vừa được Mặt trận Tổ quốc xã Thiện Mỹ xây cất một căn nhà kiên cố, với chi phí là 16 triệu đồng. Trong đó, quỹ “Vì người nghèo” của huyện Trà Ôn ủng hộ 8 triệu đồng. Có được căn nhà mới khang trang, gia đình anh không còn phải nương náu trong căn chòi rách nát nữa.
Trong năm 2010, tỉnh Vĩnh Long có hàng ngàn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được xây cất nhà tình thương, với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Nguồn kinh phí này chủ yếu do tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong ngoài tỉnh đóng góp. Được sự hỗ trợ về mọi mặt của đời sống, toàn tỉnh có trên 3.000 hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Đây là sự nỗ lực lớn của tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động cả cộng đồng tích cực tham gia chương trình giảm nghèo, tạo điều kiện cho những hộ nghèo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 7,4% xuống còn 6%.
Trong quá trình tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của tỉnh Vĩnh Long đã tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức hội của mình ngày càng đông hơn, góp phần làm cho thực lực chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Tham gia sinh hoạt trong các tổ, nhóm tương trợ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nhiều đoàn viên, hội viên của các hội, đoàn thể còn được truyền thông nâng cao kiến thức mọi mặt của đời sống. Đặc biệt là được học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, đơn vị. Từ những hoạt động thiết thực của mình, trong năm 2010, các hội, đoàn thể của tỉnh đã phát triển mới trên 7.000 đoàn viên, hội viên, nâng tổng số đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể hiện nay lên 65. 000 người. Trong đó có trên 4.000 cán bộ nòng cốt đang tích cực hoạt động ở tất cả các khóm ấp, là nguồn lực to lớn để các địa phương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh.
Xóa đói giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Xác định tầm quan trọng đó, tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh Vĩnh Long đã thể hiện rõ vai trò không thể thiếu của mình. Phát huy kết quả đạt được trong năm 2010, tổ chức mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào hỗ trợ đoàn viên, hội viên nghèo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2% mỗi năm mà nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.
Trần Tiến