Nhìn lại năm 2010 của thể thao Việt Nam, không thể nói là an lòng được bởi đơn giản, buồn nhiều hơn vui.

Ừ, thì xin lỗi

Cổ động viên môn bóng đá, họ đã buồn nhiều hơn vui. Ảnh: Tất Đạt

 

Hai sự kiện thể thao lớn nhất có sự góp mặt của thể thao Việt Nam là Asiad và AFF Cup 2010. Cả hai sự kiện thu hút được người dân theo dõi được xếp vào loại nhiều nhất nước, lại chứng kiến sự không thành công, nếu không muốn nói là tụt hậu của thể thao nước nhà so với quốc tế.

Ở Asiad 16, đoàn thể thao Việt Nam tham dự đông nhất từ trước đến nay, nhưng chỉ đoạt được một huy chương vàng ở môn karatedo vào ngày 25.11 do công của võ sĩ Lê Bích Phương. Hàng loạt bộ môn mà chúng ta “dự kiến vàng” như taekwondo hay whusu… đã không thành hiện thực. Tương tự ở môn bóng đá, sau khi đầu tư tiền lương cho huấn luyện viên là 22.000 USD/tháng, cam kết thưởng trên 7 tỉ đồng nếu vô địch, đội tuyển Việt Nam vẫn bị loại khỏi AFF Cup 2010 ở bán kết.

Người hâm mộ thấy và nghe được những lời xin lỗi. Đó là lời xin lỗi từ ông Lê Quý Phượng, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad; ông Calisto, huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia đã có lời xin lỗi người hâm mộ sau khi tuyên bố: “Có chỉ trích thì chỉ trích tôi đây”.

Chuyện tiêu cực, mà cụ thể là trong bóng đá đã "bị" người hâm mộ đặt câu hỏi có hay không? Ông Vũ Mạnh Hải, cựu tuyển thủ, cựu tổng biên tập báo Bóng đá và từng là ủy viên của liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã trả lời trên truyền hình sau khi đã xem đi xem lại các trận đấu ở AFF Cup rằng: “những sai lầm chuyên môn lặp đi lặp lại ở vài cầu thủ là điều bất thường”. VFF tất nhiên cũng đã nghe, đã ghi nhận nhưng điều đó cũng chỉ dừng lại ở những lần… ghi nhận.

Trước đó, ở giải bóng đá chuyên nghiệp V-league, người hâm mộ phản ứng và cho rằng, đội Hà Nội T&T có được chức vô địch là “có vấn đề. Ngay cả sự kiện cầu thủ Thế Sơn của đội U19 quốc gia quay người sút thẳng vào lưới nhà ở cúp TP.HCM cũng trở nên đầu voi đuôi chuột khi cầu thủ này chỉ bị loại khỏi danh sách đăng ký thi đấu sau khi đã… xin lỗi.

Thành công mang dấu ấn cá nhân

Tay vợt Tiến Minh lọt vào tốp 10 vận động viên cầu lông thế giới; Vũ Thị Hương, Thanh Hằng và Nguyễn Văn Huyện đoạt huy chương bạc, đồng ở giải đấu châu Á; mới 15 tuổi nhưng Nguyễn Hoàng Thiên ở môn quần vợt đã hai lần vô địch nhóm 5 lứa tuổi U-18 của TF năm nay; Lê Quang Liêm trở thành đại kiện tướng thế giới ở môn cờ vua… Đó là những tín hiệu vui và đáng tự hào của thể thao Việt Nam năm qua.

Tuy nhiên, ở những sự kiện vui ấy người ta chỉ nhìn thấy những nỗ lực cá nhân nhiều hơn là sự đầu tư có bài bản hoặc định hướng sáng suốt của ngành thể thao. Tiến Minh, Hoàng Thiên và cả Quang Liêm đều có đặc điểm chung để “nhận dạng” thành công là nhờ nỗ lực của gia đình chứ không phải của tổ chức mà họ sinh hoạt, tập luyện cho bộ môn mình tham gia. Ông Nguyễn Phước Trung, phó tổng thư ký liên đoàn Cờ Việt Nam thừa nhận: "Cùng có bước phát triển ban đầu đầy hứa hẹn như nhau, thậm chí Nguyễn Ngọc Trường Sơn còn hứa hẹn hơn nhưng cuối cùng Lê Quang Liêm lại tiến bộ vượt bậc chính là nhờ gia đình".

Cũng như Liêm, thành công của Hoàng Thiên là nhờ gia đình bỏ tiền ra đưa Thiên sang Mỹ để học chơi tennis, mời thầy có tiếng dạy thêm.

Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Văn Huyện được giới chuyên môn tin rằng sẽ có thành tích tốt hơn nếu được cho cọ xát nhiều hơn. Rất tiếc, cả ba vận động viên trên đều tự tập, và tự làm quân xanh cho nhau trong suốt thời gian dài nên chẳng thể khá hơn được. Và càng sốc hơn khi biết rằng vào cuối năm 2010, bộ môn điền kinh đã trả lại cho tổng cục TDTT số tiền khoảng 35.000 USD với lý do dùng không hết; trong khi trước đó, các vận động viên xin đi tập huấn đều nhận được câu trả lời “không có kinh phí”.

Vui thì vui nhưng cũng nhiều điều phải lo, nhất là việc tìm vận động viên kế thừa cho thể thao nước nhà.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *