Những người sản xuất phim thường coi người viết kịch bản là kẻ có lỗi chính trong các khoản chi phí, và họ tìm cách tiết kiệm đến mức tối đa, kể cả nhuận bút của anh ta.
Tôi đã viết kịch bản cho một bộ phim truyền hình và nhận được lá thư như sau:
"Ngài Egerxberg vô cùng kính mến, cảnh ngài mô tả người thợ mỏ bị tai nạn trở về nhà và cuộc gặp gỡ rùng rợn của anh ta với những con voi xuất hiện đột ngột từ trong sương mù đã gây ấn tượng mạnh. Cảnh này làm tôi hết sức xúc động. Nhưng sau khi cân nhắc khả năng tài chính của chúng tôi cho đến ngày hôm nay, tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo với ngài rằng chúng tôi đang cạn kiệt. Liệu ngài có nghĩ rằng với sự giúp đỡ của nhà đạo diễn giàu kinh nghiệm, chúng tôi có thể làm cho cảnh này vẫn gây ấn tượng như vậy mà chỉ để lại hai con voi không? Rất mong ngài suy nghĩ thêm. Chào thân ái, Akermann, nhà làm phim".
Tôi viết trả lời:
"Ngài Akermann vô cùng kín mến, nếu tác giả đưa vào kịch bản ba con voi, thì có nghĩa anh ta cho như vậy là cần thiết. Nhưng, thông cảm với những khó khăn của ngài, tôi không muốn cản trở quá trình dựng phim và đồng ý, như một ngoại lệ, để trong cảnh nói trên người thợ mỏ bị tai nạn chỉ gặp hai con voi thôi. Chúc thành công!".
Về việc một con voi nữa biến mất khỏi cảnh dàn dựng, tôi được biết hoàn toàn tình cờ trong lúc trò chuyện với nhà biên kịch điện ảnh.
– Cái gã Akermann quả là một tay đại bịp, chính gã đã may mắn xoay được của Altohoff một con voi.
– Nhưng trong kịch bản ghi hai con voi cơ mà – Tôi nói
Nhà biên kịch điện ảnh cười phá lên:
– Anh có hình dung được một con voi ngốn mất bao nhiêu trong một ngày không?
Phải nói chuyện với bọn người này về yêu cầu nghề nghiệp quả là một điều hoàn toàn vô bổ. Hơn nữa, dù sao vẫn còn lại một con voi.
Công việc quay phim bắt đầu. Mỗi buổi sáng người tùy phái phóng xe máy đến lấy những trang bản thảo tôi vừa viết lại đêm trước theo ý muốn của nhà biên kịch. Trong đó có những thay đổi nhỏ. Cả đại đội lính tôi chỉ giữ lại ba người, nhưng đó là những chiến sĩ dũng cảm nhất. Cảnh làm tình trong cơn dông được chuyển từ ngoài đồng vào vựa cỏ khô (họ có lý do để làm điều đó), một vài hành động được thay bằng những câu chuyện giản tiện hơn. Mỗi đêm tôi tiết kiệm cho họ hàng trăm ngàn mác. Sau đó công việc quay được chuyển ra nước ngoài, ở đấy giá cả không đắt lắm. Đưa tôi đi theo là một việc cũng tốn kém, vì vậy họ để tôi yên.
Ít lâu sau tôi được vinh dự nhận một bức điện: "Thưa ngài Egerxberg quý mến, chúng tôi cần tiết kiệm thêm hai triệu nữa".
Tiếp theo là danh sách các cảnh đề nghị cần cắt bỏ. Đọc xong, khó khăn lắm tôi mới nhận ra kịch bản của mình. Tôi gọi điện thoại cho biên tập viên đài truyền hình:
– Đấy sẽ là một bộ phim hoàn toàn khác.
– Biết làm sao! Kịch bản đang được dàn dựng, còn chúng tôi cần phải tiết kiệm.
Rốt cuộc, tại trường quay, họ lẫn lộn đến mức không thể phân biệt nổi đâu là những cảnh ban đầu và đâu là những cảnh viết lại vì lý do tiết kiệm. Lúc bấy giờ, họ đành cắn răng gửi vé máy bay cho tôi. Tôi bay đến để cắt bỏ những cảnh tốn kém và thay vào đó những cảnh rẻ tiền. Buổi tối, tôi được mời đến phòng đạo diễn như là để cảm ơn.
– Akermann quả là một tay keo kiệt – Ông ta nói – Gã đã xóa tên con bò khỏi kịch bản.
– Bò nào? Trong kịch bản của tôi làm gì có bò?
Đạo diễn ném nhanh một cái nhìn về phía tôi, cái nhìn chứa lòng thương hại, thương hại cho tôi, người viết kịch bản cổ hủ, đã không muốn thông cảm với những đòi hỏi của ông ta.
– Này, cảnh đắt nhất trong kịch bản của ngài là khi người thợ mỏ gãy chân được khiêng về nhà, và đúng lúc đó con bò xuất hiện như một biểu tượng của sức mạnh… nhưng Akermann cho rằng nó quá mạo hiểm và mất nhiều thời gian.
Tôi nhún vai, không nói một lời nào về con voi cả.
Khi gặp nhà làm phim, tôi tỏ ý phàn nàn:
– Ngài khẳng định với tôi một con voi, còn bây giờ tôi lại nghe nói về một con bò!
– Không thể có chuyện ấy được – Ông ta nói – Chúng tôi sẽ đưa vào đấy một con dê. Altomeixter sẽ kéo dài cảnh này và với một con dê, hãy nhớ lấy lời tôi.
Khi phim đã quay xong, tôi được mời đến xem duyệt. Buổi chiếu kéo dài suốt mười ba tiếng đồng hồ. Khi thì đạo diễn, khi thì nhà biên kịch điện ảnh ngồi cạnh tôi, thay nhau ngủ gật. Lúc bắt đầu cảnh có con voi, tôi nhắm mắt lại. Nhưng tôi không hề nghe thấy tiếng dê kêu be be gì cả, chỉ có tiếng vang lên cái gì tựa như tiếng ăng ẳng.
Khi đi ăn điểm tâm, tôi ngồi trong phòng ăn và cố quên đi mười ba tiếng đồng hồ.
– Ngài có thích con chó không? – Đạo diễn hỏi tôi.
– Ở đâu nhỉ?
– Ở đoạn trong sương mù, khi người thợ mỏ gãy chân trở về nhà và con chó yêu quý của anh ta đứng chờ chủ. Quay cảnh ấy thật không đơn giản chút nào, do sương mù con chó lồng lên như hóa điên, dềnh dàng mất hơn một tiếng đồng hồ đấy…
– Nhưng không vô ích – Nhà biên kịch điện ảnh tiếp lời – Đấy là một cảnh đạt nhất, khi con chó tru lên khóc chiếc chân của ông chủ mình đã mất, có đúng không nào? Còn ngài nghĩ sao?
Tôi vẫn ngồi đó với họ. Và câu hỏi ấy nhằm về phía tôi. Họ chờ đợi ở tôi những tràng vỗ tay. Những con voi của tôi đã biến thành con chó. Có thể là một con cún. Con cún ấy chính là tôi. Và họ hy vọng tôi cất tiếng sủa hân hoan đáp lời.
Trần Hậu dịch
Truyện vui của Otto Egerxrberg (Đức) – Theo CAND Online