Hôm qua (12/07), cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa mang theo 5 vệ tinh vào quỹ đạo, trong đó có vệ tinh cảm ứng điều khiển từ xa hiện đại Cartosat – 2B của Ấn Độ, 1 vệ tinh của Algeria và 3 vệ tinh nhỏ hơn của Ấn Độ, Canada và Thụy Sĩ.
Tên lửa đẩy của Ấn Độ được phóng từ sân bay vũ trụ ở Sriharikota |
Tên lửa đẩy đã được phóng từ sân bay vũ trụ ở Sriharikota, phía Nam bang Andhra Pradesh. 5 vệ tinh trên đã được đưa vào quỹ đạo đúng như dự kiến, trong điều kiện thời tiết rất tốt.
Ấn Độ bắt đầu chương trình không gian từ năm 1963 với mục tiêu đưa phương tiện có người lái vào vũ trụ vào năm 2016 và tham gia thị trường phóng vệ tinh thương mại trị giá nhiều tỉ đôla Mỹ.
Tháng 4 vừa qua, cũng tại sân bay vũ trụ ở Sriharikota, một tên lửa đẩy do Ấn Độ nghiên cứu chế tạo đã nổ tung sau khi rời bệ phóng do lỗi của một bộ phận tên lửa. Đây là tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu làm lạnh đầu tiên do Ấn Độ sản xuất.
Trước đó, vào tháng 8/2009, trung tâm vũ trụ của Ấn Độ đã mất liên lạc với tàu vũ trụ không người lái nghiên cứu mặt trăng đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, những dữ liệu mà tàu vũ trụ này truyền về trước khi bị mất liên lạc cho thấy có nước trên mặt trăng đã làm tăng uy tín của ngành hàng không vũ trụ Ấn Độ.
Thanh Tâm