Trước phiên chất vấn bắt đầu sáng nay (11/6), Ban Dân nguyện Quốc hội sẽ báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị cử tri từ sau kỳ họp thứ 4. Như vậy, cùng với hơn 200 câu hỏi mà đại biểu đã gửi chất vấn sớm, có tới 1.731 ý kiến cử tri gửi Chính phủ, mong đợi được trả lời thỏa đáng.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho hay, báo cáo tập hợp giải đáp của 26 cơ quan Chính phủ, từ chuyện vĩ mô như quy hoạch vùng, cho đến "vi mô" là chế độ, chính sách đối với một thương binh, hay việc cung cấp nước sạch cho một khu phố.
Ông Vượng gọi đây là một đổi mới của QH, giải tỏa được khúc mắc của cử tri bấy lâu về việc những bức xúc gửi đi cứ "bặt vô âm tín".
Một bản tổng hợp dày gần 500 trang đã được gửi tới đại biểu hai ngày trước phiên chất vấn.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 5. Ảnh: Lê Nhung |
Cử tri có thể yên tâm…
Cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị Bộ TN&MT xem lại việc cho phép đầu tư sân golf. "Một địa phương không nên có đến cả chục sân golf. Nếu tiếp tục đầu tư kiểu này thì tình trạng thiếu lương thực sẽ tiếp tục xảy ra"…
Câu trả lời dài một trang A4 của Bộ cho thấy, mọi vấn đề đều đã được lường trước.
Theo đó, từ 2006, Thủ tướng đã ban hành hai văn bản hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, không được chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích khác.
Cuối năm ngoái, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh đình chỉ giao đất cho dự án sân golf chưa triển khai và thu hồi lại diện tích đất đã giao nhưng còn "treo". Ngoài ra, cần lập quy hoạch hệ thống sân golf, quy định tiêu chí loại đất được xây sân golf, không được gộp xây sân golf với kinh doanh địa ốc.
Thời gian tới, Bộ "sẽ" thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về rà soát tình trạng sử dụng đất nông nghiệp.
Như vậy, cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như ở những nơi khác có thể yên tâm rằng, Bộ TN&MT "đã" tham mưu cho Thủ tướng vấn đề này và "sẽ" tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng. Cho dù, Thủ tướng đã yêu cầu phải rà soát ngay từ tháng 3/2008.
Trong khi đó, trên 70% diện tích đất lẽ ra được cấp để làm sân golf vẫn đang mọc lên nhà hàng, biệt thự, như chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) gửi Thủ tướng.
"Giảm lòng tin"
Có những vấn đề kéo dài từ năm này qua năm khác, dân hỏi nhiều, ĐB chất vấn không ít bận, nhưng câu trả lời vẫn là "đang" và "sẽ".
Như chuyện quản lý giá thuốc, chính sách với nạn nhân chất độc da cam, với cán bộ xã, phường…
"Chuyện giải quyết chưa triệt để thì còn nhiều yếu tố, không phải một sớm một chiều", Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông nói.
Tuy nhiên, ông Cuông phân tích, vẫn có những vấn đề trong tầm tay, thuộc trách nhiệm chính của bộ, mà bộ vẫn phớt lờ, để kéo dài nhiều năm, khiến cả ĐB và cử tri thêm bức xúc.
"Như chế độ, chính sách bất hợp lý với giáo viên mầm non, vấn đề nhiều ĐB nói ở nhiều kỳ họp mà bộ vẫn bảo thủ, không hề có động thái xử lý hay giải thích. Nếu chưa tìm được phương án thì nên trình ra Chính phủ hoặc đem ra bàn bạc ở Quốc hội, chứ không nên lấy hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn", ông Cuông cho hay.
Ông Cuông e ngại, nếu kéo dài tình trạng này, dân sẽ giảm lòng tin vào ĐBQH và Chính phủ.
Nếu đại biểu nắm rõ luật
Một buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội. Ảnh: LN |
Thừa nhận bản tổng hợp giải quyết kiến nghị cử tri dày dặn này rất hữu ích cho phiên chất vấn, ông Cuông còn nói thêm rằng, ĐB cũng có tư liệu để đem về nhà giải thích cho cử tri.
Tất nhiên, có những vấn đề nếu ĐB đã "nằm lòng" giải thích cho cử tri thì sẽ không phải gửi lên tận bộ.
Chẳng hạn, người dân hỏi Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng về tinh giản biên chế cho cán bộ cấp xã, về điều kiện trúng tuyển nghĩa vụ quân sự… Trong khi tất cả đã được quy định trong các văn bản pháp luật.
"Đi tiếp xúc cử tri, thấy người ta hỏi như vậy, lẽ ra ĐB phải nắm rõ luật để giải thích ngay tại chỗ, nếu không thì phải ghi lại để hỏi các cơ quan địa phương, sau đó giải đáp, không cần đưa lên tận bộ trưởng", ông Cuông cho hay.
Bộ trưởng Tài chính, người 4 lần trả lời chất vấn, cho hay không hài lòng nhất với những câu hỏi về vấn đề luật đã quy định, hỏi để biết thông tin.
Không trách được khi có những bộ trưởng đăng đàn lại trích hết nghị định này đến thông tư nọ. Những vấn đề hiển nhiên thuộc về trách nhiệm mà lẽ ra ĐB phải nói cho dân hiểu.
Các phiên chất vấn truyền hình trực tiếp, do đó, không chỉ "thử lửa" năng lực các vị tư lệnh ngành, mà còn "thử lửa" bản lĩnh, trình độ những ĐB do dân bầu ra.
Trong 2 ngày 11 và 12/6, bộ trưởng các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn.
Cuối cùng, sáng 13/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ giải đáp các vấn đề liên quan.
Theo Lê Nhung (VietNamNet)