Tỉnh Bình Tuy nằm giữa tỉnh Bình Thuận (phía Bắc), tỉnh Long Khánh (phía Nam) và tỉnh Lâm Đồng (phía Tây). Sau khi Bảo Lộc, Phan Thiết và Xuân Lộc thất thủ, Bình Tuy rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn.
Tàn quân địch từ Phan Thiết và nhiều nơi khác chạy về thị xã La Gi, quận lỵ Hàm Tân, cửa biển Tân Lý, sân bay Láng Gòn và khu vực dọc quốc lộ 1A, liên tỉnh lộ 23… càng làm tăng thêm sự hoảng loạn trong các đơn vị quân đội ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ tại đây. Trong lúc đó, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Tuy phát huy chiến thắng Hoài Đức, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, giải phóng các ấp dọc đường số 1 từ căn cứ 6 đến Km46 và từ Km46 theo liên lỉnh lộ 2 đến Đá Mài – Láng Gòn. Các đội vũ trang công tác và thanh niên cùng với quần chúng nhân dân chuẩn bị nổi dậy.
Một đơn vị thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 6) trước giờ ra trận. |
Để giải phóng hết phần đất còn lại vùng cực Nam Trung bộ, ngày 20-4-1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 quyết định thành lập Ban Chỉ huy giải phóng tỉnh Bình Tuy. Lực lượng vũ tham gia gồm một số đơn vị thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 6), Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Tuy. 19 giờ ngày 22-4, Quân giải phóng đồng loạt nổ súng đánh chiếm quận lỵ và chi khu Hàm Tân; tiểu khu, tòa hành chính tỉnh và các vị trí khác trong thị xã tỉnh lỵ La Gi. Một mũi tiến công khác vượt biển ra đánh giữ đảo Hòn Bà (cách đất liền 2km).
12 giờ ngày 23-4-1975, phần đất còn lại của Quân khu 6, tỉnh Bình Tuy hoàn toàn giải phóng. Cùng ngày 23-4, tại Washington, Tổng thống Mỹ G.Ford tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ” và ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn.
Theo SGGP Online