Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đang vào vụ xuống giống lúa Đông Xuân 2010 – 2011. Theo kế hoạch sẽ chia làm 2 đợt, tập trung ở các con nước mùng 10/10 và 25/10 âm lịch.
Tuy bà con nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ và công việc chuẩn bị từ khâu làm đất đến chọn lúa giống có chất lượng để gieo sạ được thực hiện khá tốt, nhưng do thời tiết năm nay thay đổi bất thường, nên lúa xuống giống đợt 1 bị mưa lớn liên tiếp nhiều ngày, kết hợp với triều cường, nước trên các sông rạch khá cao đã gây dội nước trên đồng, từ đó đã làm cho khá nhiều diện tích lúa vừa mới sạ bị ngập úng và chết giống, có diện tích lúa chết trên 70%. Hiện ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương và bà con nông dân khẩn trương cứu lúa, nhằm đảm bảo cho vụ lúa Đông Xuân phát triển và đạt kết quả cao.
Vụ lúa Đông Xuân năm 2010 – 2011, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch gieo trồng với tổng diện tích trên 66.000 ha và phấn đấu đạt năng suất bình quân 6,7 tấn/ha. Để đảm bảo cho vụ lúa này được thắng lợi, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên gieo sạ trong khoảng thời gian từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12/2010, tập trung xuống giống vào 2 đợt chính xoay quanh các con nước mùng 10/10 và 25/10 âm lịch. Theo đó, bà con phải làm tốt công tác nội đồng, chú ý vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ đồng loạt, đúng lịch thời vụ qui định để phòng tránh các đợt rầy nâu di trú và một số dịch hại có thể phát sinh ngay trong đầu vụ
Những kỹ thuật canh tác hợp lý sẽ là yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của vụ Đông Xuân năm nay |
Toàn tỉnh đã gieo sạ gần 70% diện tích so với kế hoạch. Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho việc xuống giống như làm đất, bừa trục, cũng như tuân thủ đúng lịch gieo sạ cho từng vùng đã được bà con nông dân thực hiện khá tốt. Dẫu vậy, một vấn đề không thể lường trước được là thời tiết năm nay diễn biến khá bất thường, không thuận lợi như mọi năm. Những diện tích lúa gieo sạ trong đợt 1 vào mùng 10/10 âm lịch, từ ngày 11 – 20/11 / 2010 vừa qua bị những con mưa cuối mùa liên tiếp ập xuống. Mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường, nên những ruộng lúa mới vừa sạ bị ngập úng nghiêm trọng, làm lúa chết nhiều, gây không ít khó khăn cho nông dân.
Qua thống kê sơ bộ ban đầu, cả tỉnh hiện có trên 15.000 ha lúa bị chết giống, trong đó có hơn 45% diện tích bị thiệt hại khá nặng. Theo chính quyền địa phương, hiện tại những thửa ruộng bị mưa lớn gây ngập úng, lúa chết giống khá nhiều, bà con rất “nóng lòng” nên có hộ phải sạ đi sạ lại đến 2 – 3 lần nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Để khắc phục tình trạng này, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với việc huy động máy bơm hiện có tại địa phương, khẩn trương bơm tát nước ra khỏi ruộng để cứu lúa. Đối với những ruộng lúa chết giống loang lỗ, dưới 40% bà con có thể tiếp tục chăm sóc bằng cách kiểm tra bộ rễ, thân, nếu còn trắng chưa bị thối đen thì nên rút nước ra từ từ đến khi lúa nhú đọt, tiến hành bón phân với liều lượng vừa phải để giúp cây lúa phục hồi và tiến hành nhổ tuyển những chổ dày cấy giặm lại những chỗ lúa bị chết thưa. Nếu lúa chết từ trên 50-70%, sau khi nước rút hết trên đồng, bà con nên tập trung khoanh vùng và gieo sạ lại. Lưu ý, nên tháo hết nước trong ruộng ra để thải bỏ chất độc từ hạt lúa giống bị hư, tiến hành bừa trục lại, cần thiết nên bón vôi để khử độc rồi mới sạ lại.
Ngoài ra, các địa phương và bà con cũng nên kiểm tra và thực hiện gia cố lại hệ thống bờ bao để đề phòng mưa lớn gây ngập úng có thể xảy vào cuối tháng 10 âm lịch. Trong giai đoạn này, nông dân cũng lưu ý một số loài dịch hại có thể phát sinh gây hại ở đầu vụ lúa Đông Xuân. Hiện thời, ngoài chuyện gặp khó khăn do lúa bị chết giống phải gieo sạ lại hoặc giặm vá nhiều, nạn ốc bươu vàng đã phát sinh phá hoại lúa, làm cho nông dân rất lo lắng. Theo bà con, do trời mưa nên luôn có nước trên đồng nên ốc bươu vàng có điều kiện “trồi lên” cắn phá lúa. Nhiều nông dân cho biết đã dùng các biện pháp tiêu diệt, nhưng vẫn không hết, mỗi ngày khi ra ruộng thăm lúa thì bắt đem về cả xô ốc…
Ngành Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh Vĩnh Long đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp để cứu lúa Đông Xuân bị chết giống, nhằm khắc phục thiệt hại đến mức thấp nhất cho nông dân và bảo vệ cho vụ lúa này phát triển tốt. Tuy vậy, theo dự báo của ngành chức năng, vụ lúa Đông Xuân 2010 – 2011 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, do diễn biến bất thường của thời tiết, giá cả chi phí đầu vào tăng, nguy cơ dịch hại sẽ xuất hiện nhiều ở đầu vụ….. Nông dân trồng lúa đang đối mặt với nhiều nổi lo. Trước tình hình khó khăn, nếu để vụ lúa Đông Xuân xảy ra dịch bệnh chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của bà con nông dân nên ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, kiên quyết dập dịch bệnh ngay từ khi mới xuất hiện. Bên cạnh đó, nông dân cũng phải có biện pháp quản lý tốt các đối tượng dịch hại, áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào trong cannh tác, thực hiện chương trình IPM, 3 giảm – 3 tăng hoặc 1 phải – 5 giảm trong sản xuất lúa. Những kỹ thuật canh tác hợp lý sẽ là yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của vụ Đông Xuân năm nay.
Quốc Chiến