Chiến dịch Xuân Lộc là trận đột phá đầu tiên của Quân giải phóng vào tuyến phòng thủ trực tiếp của quân địch trên hướng Đông Sài Gòn, từ Biên Hòa – Xuân Lộc đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Do tầm quan trọng đặc biệt của “cánh cửa thép” này, quân đội ngụy quyền Sài Gòn bố trí tại đây một lực lượng binh hỏa lực lớn với hệ thống công sự kiên cố và quyết tâm “tử thủ bằng mọi giá”.
Sư đoàn 341-Quân đoàn 4 tiến công Sở Chỉ huy Sư đoàn 18 của địch tại Núi Thị – Xuân Lộc |
Sau 3 ngày chiến đấu, lực lượng tiến công mặc dù đã chiếm một số mục tiêu nhưng chưa diệt gọn từng tiểu đoàn địch và giải phóng được thị xã Xuân Lộc. Trong khi đó, Quân giải phóng bị tổn thất khá nặng cả về người và trang bị vũ khí kỹ thuật.
Ngày 13-4-1975, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng Miền đến Sở Chỉ huy chiến dịch để chỉ đạo trực tiếp. Sau khi đánh giá tình hình, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi cách đánh: không tập trung lực lượng tiến công vào nội ô thị xã mà chuyển sang bao vây, cô lập, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi các hành lang giao thông nối vào Biên Hòa, ra Bình Thuận, lên Đà Lạt và xuống Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, Quân giải phóng chỉ giữ lại một bộ phận kìm chế quân địch trong thị xã, điều chỉnh lực lượng, tổ chức tiến công đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Trảng Bom lên, từ Gia Kiệm về, làm chủ chi khu Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa.
Quyết định thay đổi cách đánh đã mở ra hướng phát triển mới ở mặt trận Xuân Lộc, phản ánh sự nhạy bén, bám sát thực tiễn và quyết đoán của Bộ Chỉ huy trong quá trình điều hành chiến dịch.
Theo SGGP Online