Doanh nghiệp được quyền tăng hoặc giảm giá xăng dầu theo thế giới mà không cần xin phép Liên bộ Tài chính – Công Thương. Chỉ khi nào giá thế giới có đột biến Nhà nước mới can thiệp.

Đó là điểm mới nhất trong dự thảo sửa đổi Nghị định 55 về điều hành xăng dầu do Liên bộ Tài chính – Công Thương soạn thảo để lấy ý kiến các bộ ngành trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ có quyền tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều chỉnh giá bán. Nhà nước chỉ can thiệp bằng văn bản "thúc" doanh nghiệp điều chỉnh giá bán khi dầu thế giới tăng hoặc giảm hơn giá trong nước khoảng 15%.

Cũng theo dự thảo, nếu giá thế giới tăng hoặc giảm khoảng 3% trong khoảng thời gian 10 ngày, doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định giá bán. Trong trường hợp giá tăng hoặc giảm trên mức 5% trong 10 ngày, doanh nghiệp mới được điều chỉnh giá, nhưng mức tăng hoặc giảm không được quá 5%. Nếu giá thế giới tiếp tục biến động trong 10 ngày tiếp theo, doanh nghiệp cũng được niêm yết giá bán mới nhưng mức tăng và giảm cho mỗi lần không được quá 5%.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 4 lần được điều chỉnh. Ảnh: Hoàng Hà.

Quy định mới trong điều hành giá xăng dầu sẽ được "cởi trói" hơn so với Nghị định cũ. Nghĩa là khi giá thế giới biến động, doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng phương án giá và trình Liên bộ Tài chính – Công Thương xem xét. Không cần chờ phê duyệt, đúng ngày giờ, doanh nghiệp tự động niêm yết giá bán mới trên hệ thống cửa hàng đại lý của mình. Liên bộ không cần ra văn bản trả lời mà sẽ thực hiện công tác hậu kiểm xem các doanh nghiệp niêm yết giá bán có hợp lý và đúng như phương án trình hay không. Nếu phát hiện giá bán bất hợp lý, tăng quá mức cho phép hoặc giảm quá ít so với giá thế giới, doanh nghiệp sẽ bị thổi còi.

Nghị định 55 có hiệu lực từ 1/5/2007 cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán theo thị trường. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho Tổ giám sát Liên bộ Tài chính – Công Thương phương án điều chỉnh trước thời điểm ấn định khoảng một tuần. Tuy nhiên, sau gần 2 năm nhìn lại, Bộ Tài chính nhận thấy cách điều hành như vậy quá phức tạp và gây không ít vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chẳng hạn tại thời điểm tháng 8/2008, khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất của tháng với 75 USD một thùng, dù Chính phủ nhiều lần yêu cầu giảm giá, song các doanh nghiệp vẫn "phớt lờ" với lý do chưa đủ bù lỗ. Bộ Tài chính đành áp dụng cơ chế bình ổn giá theo Pháp lệnh giá và buộc các doanh nghiệp kinh doanh giảm giá bán lẻ xăng A92 từ 11.800 xuống 11.300 đồng một lít. Gần đây nhất trong tháng 5 vừa qua, khi dầu thế giới biến động hơn gần 10 ngày, doanh nghiệp đã có tới 3 lần đề xuất tăng giá. Cả 3 lần đều bị Liên bộ Tài chính – Công Thương từ chối vì cho rằng giá thế giới biến động song các doanh nghiệp vẫn có khả năng chịu đựng được.

Nhưng rồi sang tháng 6 giá thế giới tiếp tục biến động, doanh nghiệp lại có văn bản "thúc" Liên bộ cho phép được tăng giá. Sau một tuần cân nhắc, cơ quan quản lý "đành" phải gật đầu cho doanh nghiệp được tăng thêm 1.000 đồng cho mỗi lít xăng dầu. Chỉ có điều giống như bao lần khác, cứ Liên bộ cho phép doanh nghiệp tăng giá thì dầu thế giới hạ nhiệt và ngược lại khi giá thế giới tăng thì quyết định giảm giá trong nước được ban hành.

Bảng so sánh giá xăng từ đầu năm đến nay:

Theo Hồng Anh (VnExpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *