Bên bờ hạnh phúc

Ngày 27/1, tại Hà Nội, Hội Việt-Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về giao lưu hợp tác nhân dân Việt-Mỹ.

Xử lý bom mìn tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Đây là tọa đàm giao lưu hợp tác nhân dân Việt-Mỹ đầu tiên trong năm 2015, là hoạt động trong chuỗi kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm nay.

Chủ tịch Hội Việt-Mỹ Nguyễn Tâm Chiến và bà Marsha L.Four, Phó Chủ tịch Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam chủ trì tọa đàm.

Tham dự có đại diện Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Làng hữu nghị Vân Canh, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam…

Các thành viên Đoàn Tổ chức cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam (VVA), Trưởng đại diện một số tổ chức phi chính phủ Mỹ ở Việt Nam, bạn bè Mỹ, đại diện một số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cùng tham dự.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tâm Chiến nhấn mạnh, đây là dịp để các đại biểu hai nước đánh giá các hoạt động, chương trình, sáng kiến hoạt động, hợp tác nhân dân thời gian qua, góp phần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đưa quan hệ hai nước phát triển trên nhiều mặt trên khuôn khổ đối tác toàn diện.

Bà Marsha L.Four cho rằng: "Hợp tác nhân dân Việt-Mỹ giúp thiết lập mối quan hệ hai nước ở mức độ cơ bản nhất. Nó là mối quan hệ trực tiếp giữa các cá nhân, giữa cộng đồng người Việt và cộng đồng người Mỹ. Chúng ta có thể bàn bạc một cách cởi mở nhiều vấn đề hai bên cùng quan tâm bởi suy cho cùng, nền tảng cơ bản của một quốc gia là từ nhân dân. Tôi nghĩ đây là một mối quan hệ rất quan trọng, giúp hai nước thúc đẩy việc tìm hiểu và hiểu rõ nhau hơn.”

Các đại biểu nhận xét, 20 năm qua các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước như chính trị và an ninh, thương mại và đầu tư, ngoại giao nhân dân, hợp tác về môi trường… đã có sự phát triển tích cực.

Nổi bật là quan hệ kinh tế, thương mại hai chiều năm 2014 ước đạt khoảng 30 tỷ USD, tăng khoảng 130 lần so với thời điểm năm 1994.

Hợp tác giáo dục cũng là một lĩnh vực hợp tác nổi bật. Hợp tác nhân dân hai nước đóng góp một phần quan trọng vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Tại tọa đàm, các đại biểu hai nước đã đánh giá các hoạt động, các chương trình, sáng kiến hoạt động trong việc khắc phục những vấn đề do chiến tranh để lại.

Hậu quả của chất độc da cam/dioxin và bom mìn sau chiến tranh vẫn là những vấn đề lớn, tác động tới cuộc sống của các gia đình cựu chiến binh Việt Nam nói riêng và xã hội nói chung.

Các đại biểu đã đề xuất, nên có những nghiên cứu chứng minh hậu quả của chất độc da cam/dioxin tác động tới gen của người phơi nhiễm và di truyền tới các thế hệ sau, cũng như thực hiện các nghiên cứu nhằm tìm ra mối quan hệ giữa người bị phơi nhiễm và các thế hệ sau, vấn đề điều trị cho những thế hệ chịu di chứng bởi chất độc này; tiếp tục đẩy mạnh việc khử độc các vùng bị nhiễm độc dioxin.

Hiện, Việt Nam và Mỹ đang cùng hợp tác tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng; có các biện pháp hỗ trợ, cải thiện cuộc sống cho các gia đình có người nhiễm chất độc da cam/dioxin…

Về việc khắc phục hậu quả bom mìn, chiến tranh đã đi qua nhưng số lượng bom mìn tồn tại sau chiến tranh tại Việt Nam còn rất nhiều. Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới.

Hàng năm Việt Nam đã dành hàng trăm tỷ đồng cho việc rà phá bom mìn và cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, tái định cư cho nạn nhân bom mìn.

Tuy nhiên, với diện tích bị ô nhiễm bom mìn lớn với năng lực tài chính còn hạn hẹp, Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được những sự hỗ trợ cả về nguồn nhân lực, tài chính, kỹ thuật để đẩy mạnh hoạt động này.

Các đại biểu đã đề xuất, công tác rà phá bom mìn cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cũng như tuyên truyền trong nhân dân về các biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn do bom mìn…/.

Nguồn: Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *