Theo một số tài liệu ghi nhận, cây thông Noel ban đầu xuất hiện ở Đức để tưởng nhớ công ơn truyền đạo của một giáo sĩ. Qua nhiều thế kỷ, phong tục này du nhập vào nước Mỹ nhờ những người Đức nhập cư.

Ở các nước phương Tây, Giáng sinh thường được coi là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm, tương tự Tết nguyên đán tại khu vực châu Á. Vào dịp này, những thành viên trong gia đình dù có đi xa mấy cũng luôn cố gắng thu xếp về nhà thăm người thân.

Trong khi người châu Á dùng đào, quất, mai làm biểu tượng khi Tết đến, phương Tây lại chỉ có cây thông hoặc vân sam (thuộc họ thông) với màu xanh rì, được trang trí rực rỡ bởi rất nhiều phụ kiện. Theo quan niệm của họ, màu xanh này được mô tả là “vĩnh cửu” và tượng trưng cho sự phồn vinh, ấm no.

Cây thông được xem là biểu tượng của ngày Giáng sinh, đồng thời giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật và tượng trưng cho sự ấm no, phồn vinh

Truyền thuyết xưa kể rằng vào một đêm Noel đã lâu, một người tiều phu nghèo đang trên đường về nhà bỗng gặp đứa trẻ lạc và lả đi vì đói. Dù túng thiếu, ông vẫn dành cho đứa trẻ chút thức ăn ít ỏi và che chở giúp nó một đêm yên giấc.

Khi thức dậy vào sáng hôm sau, người tiều phu nhìn thấy một cái cây đẹp lộng lẫy ngoài cửa. Lúc đó, ông mới biết đứa trẻ chính là Chúa cải trang và tạo ra cái cây để thưởng cho lòng nhân đức.

Còn theo truyền thuyết khác, khi đạo Cơ đốc giáo chưa ra đời, những loại cây cối có màu xanh quanh năm thường mang ý nghĩa rất đặc biệt với con người trong mùa đông. Cây thông được chọn cho dịp Giáng sinh cũng vì lẽ này. Nhiều quốc gia khác còn tin rằng sắc xanh chính là thứ bùa giúp xua đuổi tà ma và bệnh tật.

Cũng có câu chuyện nữa lại kể rằng vào thế kỷ thứ 8, thánh Boniface – giáo sĩ người Anh – khi sang Đức truyền bá đạo Cơ đốc đã tặng thành phố Geismar một cây thông tượng trưng cho tình thương cũng như tín ngưỡng mới. Khi người Đức chấp nhận Cơ đốc giáo, họ chọn cây thông làm biểu tượng ngày Giáng sinh để tưởng nhớ công ơn thánh Boniface.

Tuy vậy, phải tới thế kỷ thứ 16, phong tục trang trí cây Giáng sinh mới trở nên phổ biến ở Đức. Những vùng vắng bóng thông, con người tạo ra các đồ vật hình chóp từ gỗ và tô điểm thêm bằng nhiều phụ kiện. Chẳng bao lâu sau, phong tục này lan sang các nước khác ở châu Âu.

Song song với truyền thuyết này, rất nhiều sự tích cũng được kể lại nhưng chưa một ai thực sự tìm ra nguồn gốc của cây thông Noel. Theo các tài liệu ghi nhận, năm 1841, nữ hoàng Anh Victoria cùng chồng là hoàng tử Albert (sinh ra tại nước Đức) lần đầu trang trí cây thông tại lâu đài Windsor bằng nến cùng rất nhiều loại kẹo, hoa quả và bánh mì gừng.

Hoạt động này sau đó trở thành thời thượng ở Anh và được các gia đình giàu có dùng tất cả những đồ vật quý giá để trang trí. Từng có thời điểm vật trang trí được sử dụng là búp bê, các thiết bị âm nhạc, đồ trang sức, súng gươm đồ chơi, hoa quả và bánh kẹo. Sau khi tồn tại ở Anh, phong tục này trở nên phổ biến khắp các thuộc địa của đế chế này và còn tới cả vùng đất mới lúc bấy giờ là Canada.

Tại Mỹ, rất nhiều tranh cãi nổ ra về việc ai là người đã du nhập phong tục trang trí cây thông ngày Giáng sinh vào miền đất này. Năm 1850, cây thông Noel xuất hiện lần đầu trên một tạp chí Mỹ, sao chép chính xác so với phiên bản của hoàng gia Anh trước đó, ngoại trừ việc gỡ bỏ các dấu ấn liên quan tới nữ hoàng và hoàng tử.

Những hình ảnh này được lưu truyền rộng rãi khiến việc trang hoàng cây thông trở thành trào lưu. Tuy vậy, nhiều tài liệu khác cũng ghi nhận rằng những người Đức nhập cư ở Pennsylvania (Mỹ) mới là khởi nguồn cho thói quen trang trí cây Noel.

Từ thế kỷ 20 trở đi, việc trang hoàng này trở thành truyền thống ở nước Mỹ. Khắp các thành phố, thị trấn và ngay cả cửa hàng bách hóa cũng thường có cây thông lộng lẫy đứng ngoài cửa. Trung tâm Rockefeller ở New York còn trang bị một cây thuộc hàng đẹp nhất thế giới với chiều cao 38m, sử dụng 45.000 đèn led chiếu sáng.

Trong các gia đình Mỹ ngày nay, cứ mỗi dịp Giáng sinh, ai nấy cũng háo hức và thường rủ nhau tới trang trại chọn mua cây thông tươi về trang trí, giá thấp nhất khoảng 30 USD. Trung bình mỗi cây thông mất 7 năm để sinh trưởng và phải cần 15 năm mới đạt chiều cao 7-8m. Để tiết kiệm hơn, nhiều người cũng thường mua cây nhựa để sử dụng qua nhiều năm.

Theo VnE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *